Đã bao gờ bạn chơi trò chơi của những lá thư trong chai? Nhắc tới lá thư trong chai bạn nghĩ tới điều gì?
Hôm nay Blog Radio mang đến bạn một câu chuyện được gửi từ một lá thư trong chai đến Blog Radio, truyện ngắn của tác giả Cá Rô, một câu chuyện mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Câu chuyện trong khung cảnh bãi biển dạt dào, trên bờ cát trắng có một chàng trai và một cô gái bước dọc theo chiều dài của biển…
Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!
Blog Radio – “Anh là Dương Dương, khi lá thư trong chai này mở ra anh tin rằng Hân Hân của anh đã thật sự trưởng thành. Em hãy nhìn đi, trên bầu trời đàn chim biển đang vỗ cánh bay về…”
Tôi đẩy mạnh cánh cửa sổ vương đầy bụi bặm, một chút ánh sáng của buổi chiều tàn tràn vào nhà, đâu đó phảng phất chút hương mặn mòi của biển. Ô cửa sổ giống như một khung hình sống động, có chút ấp e của nắng phía khơi xa.
Giờ là mùa thu nên biển có đôi phần vắng vẻ, thi thoảng mới bắt gặp một vài đứa trẻ con vội vã lăn chiếc phao bơi về phía bờ để trở về nhà trước khi trời tối, chỉ mình tôi vẫn lặng lẽ in những dấu chân mình trên cát. Thuỷ triều lên, sóng lại đưa bọt trắng để xoá mờ…
Căn nhà của dì Mai nằm khuất sau rặng phi lao chằng chịt dây muống biển bò trên cát, có một con đường nhỏ lát gạch dẫn ra bờ biển, hai bên hiên treo nhiều những chậu hoa màu đỏ, bên dưới còn có một bộ bàn ghế hóng mát trông giống như những quán café trong thành phố. Dì Mai là một người phụ nữ thành đạt, chỉ có điều… dì là một goá phụ. Tôi cũng không biết chồng dì đã mất từ bao giờ chỉ biết rằng khi lớn lên, biết nhận thức về mọi điều thì dì đã là một goá phụ thành đạt. Dì có một người con trai hơn tôi 3 tuổi nhưng tôi mới chỉ gặp một lần cách đây hơn 10 năm khi theo bố vào Nam. Bố tôi và dì Mai nghe đâu là bạn thân từ hồi đại học, vì công việc của dì cũng hay phải đi lại giữa hai miền Nam Bắc nên mối thân tình giữa hai gia đình cũng đôi phần gắn bó.
Mùa chia tay, bạn bè khoác lên người chiếc áo cử nhân rạng rỡ trong ngày bế giảng. Tôi ngồi một mình trong phòng, không khóc, không nghĩ, chỉ thấy mình hình như không tồn tại. Tôi trượt một môn điều kiện trong hạng mục thi tốt nghiệp đại học, không biết trời sập thì sẽ như thế nào nhưng giây phút ấy hình như bầu trời ở rất gần, vỡ toác và ngột ngạt. Bố tôi nổi trận lôi đình:
– “Sao mày lúc nào cũng là đứa làm cho bố mẹ đau đầu thế hả?”
– “…”
– “Sao mày không được một phần của chị mày cơ chứ?”
– “…”
Tôi không nói gì lặng lẽ bỏ lên phòng, tôi muốn khóc nhưng biết rằng nước mắt sẽ không rơi.
Dì Mai đến, dì ngồi rất lâu nhưng không nói gì, người phụ nữ này có một mối quan tâm đặc biệt đến tôi, dì ấy nói rằng tôi chính là bản sao thời còn trẻ của dì, lúc đó tôi không hiểu và cũng không mấy bận tâm. Giờ thì tôi biết, hoá ra tôi mạnh mẽ, ương ngạnh giống dì. Nhưng thật trớ trêu bởi một người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu thì đó cũng chỉ là vỏ bọc mà bản thân người ta cố tình tạo ra, còn bên trong tâm hồn họ thực chất vẫn chỉ là một hố sâu mềm yếu. Dì Mai bỗng nắm lấy tay tôi:
– “Hay là vào Nam với dì một thời gian con ạ!”
Tôi nhìn dì Mai, không gian trong phòng vẫn tĩnh lặng, ngoài ban công có chú chim sẻ cô đơn vô tình đáp xuống.
Và như thế tôi có mặt ở đây, trong ngôi nhà nhỏ lấp sau hàng cây, nhìn ra phía biển của dì Mai.
Trời tối hẳn, những con sóng bạc đầu lao về phía bờ giống như một chú thiêu thân, ở cuối chân trời chỉ còn nhìn thấy vài mảng mây màu sáng. Dì Mai vẫy tay gọi, Tôi cười với dì rồi rảo bước quay về. Dì khoác lấy tay tôi, hai dì cháu chầm chậm bước ngược trở lại con đường lát gạch để vào nhà, dì Mai bỗng siết nhẹ tay tôi nói:
“Hân à! Con còn nhớ thằng Dương nhà dì không?”
– “Có chứ ạ! Không phải anh ấy đang học nghiên cứu sinh bên Singapore sao ạ?
– “Ừ… phải, nhưng đấy là trước kia.
– “Thế là sao ạ?” tôi ngạc nhiên.
– “Thật ra Dương nó đang ở đây… nó không khỏe, giờ nó hầu như không muốn gặp ai, không muốn ra khỏi nhà”.
Trong bóng tối, tôi thấy mắt dì Mai ươn ướt. Tôi đứng im như một kẻ ngốc, ngước mắt nhìn lên căn phòng sáng đèn trên tầng 2, bóng một chàng trai ngồi im lặng bên cửa sổ. Tôi bất giác vòng tay ôm lấy dì Mai, hai người phụ nữ cứ từng cho rằng mình mạnh mẽ bỗng chốc trở về đúng nghĩa yếu mềm.
Dương không muốn xuống cùng ăn cơm, dì vỗ vai tôi: “Kệ nó! Ăn đi con”. Tôi đứng trước cửa phòng anh, ngập ngừng mãi rồi vẫn quyết định gõ cửa nhưng không có tiếng trả lời.
– “Em vào được không?”
– “…”
– “ Em là Hân Hân, anh còn nhớ không?
– “…Em… vào đi”
Tôi nắm lấy tay vịn cửa và bước vào, Dương vẫn ngồi bên cửa sổ, đôi mắt anh thoảng chút u buồn. Trông anh khác nhiều so với lần đầu tiên tôi gặp anh bởi khi đó chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ con vô tư lự, ấn tượng duy nhất mà tôi còn nhớ về anh là hình ảnh về một mùa hè toàn nắng, anh chạy dọc trên bờ cát vẫy tôi.
– “Hân Hân, nhanh lên, xem này!
– Hân Hân! Chạy nhanh lên không nó bơi mất bây giờ.
Tôi lẳng lặng bước đến bên cửa sổ, không biết phải bắt đầu từ đâu chỉ nhìn anh khẽ mỉm cười.
– “Em không thay đổi nhiều lắm!” – Dương bỗng mở lời.
– “Anh bảo gì cơ?”
– “Lúc chiều anh thấy em chơi ngoài biển, em vẫn thế, thích chơi trò in dấu chân lên cát rồi đứng chờ sóng tràn lên”.
– “ A ha… anh vẫn còn nhớ à? Lâu lắm rồi mà?
– “ Anh nhớ! Anh còn nhớ chính vì nó mà anh gọi em là Hân Hân, tức là Hâm Hâm ý”.
– “Anh…”
– “Được rồi ! Anh chỉ trêu thôi mà”.
Anh cười, giây phút đó tôi bỗng thấy mình vui là lạ, phải chăng vì cuộc hội ngộ bất ngờ sau nhiều năm, phải chăng vì tôi thấy chàng trai u buồn bên cửa sổ tối nay nở nụ cười. Tôi không rõ đó là cảm giác gì nhưng rõ ràng có một niềm vui nho nhỏ ở đâu đó đã tràn về qua đây.
– “Sáng mai, anh đưa em ra bãi đá nhé!”
Anh không nói gì, đôi mắt lại nhìn ra xa, nụ cười mong manh thoáng qua hình như vừa dần tan theo cơn gió biển nồng nồng mới thổi qua.
Buổi sáng, trời trong xanh, tôi dậy sớm vì muốn ra bãi đá chơi trước khi nắng lên, có lẽ Dương không muốn đi cùng hoặc là không khỏe nên tôi cũng không đánh thức anh dậy. Bãi đá nằm ở cuối con đường chính chạy dọc bờ biển, buổi sáng thường có vài người phụ nữ đầu đội nón tay xách theo một cái xô đi nhặt những con hào bám ở đá. Tôi hào hứng nhặt mấy viên đá cuội xếp chồng lên nhau, hồi bé khi theo Dương ra đây chơi, bọn trẻ con ở nơi này nói với tôi rằng bãi đá này rất thiêng, nếu muốn cầu mong điều gì chỉ cần xếp những viên đá chồng lên nhau, chờ khi thủy triều lên sóng sẽ mang lời nguyện cầu đó đi và nó sẽ trở thành sự thật.
– “Này! Bỏ bom người khác thì lời nguyện cầu không thành sự thật được đâu”.
Tôi giật mình đánh rơi viên đá định đặt lên chóp xuống nước.
– “Sao anh lại ra đây?”
“Hôm qua em bảo anh đưa em ra bãi đá còn gì?”
– “À…vì em không thấy anh nói gì…”
– “Thôi bỏ đi, vẫn nhớ được đường ra đây là tốt rồi”.
– “Anh có tin vào lời nguyện cầu ở bãi đá không?
– “Anh không biết! Vì anh không biết trên đời này có thật sự tồn tại điều kỳ diệu không?”
– “… ”
– “Còn em? Em tin chứ?
– “Em cũng không biết, nhưng em vẫn mong”.
– “Em vừa cầu cái gì vậy?” – Anh chỉ tay vào đống đá dưới chân tôi.
– “À …em muốn trở lại đây một lần nữa”.
– “Đúng là Hân Hân, là Hâm Hâm có khác, cái này thì chỉ cần em muốn là được thôi”.
Nghe đến đây tôi phá lên cười, anh hình như cũng vui vui, dì Mai nói đã rất lâu rồi anh mới ra khỏi nhà.
Đã là ngày thứ năm xa nhà, tôi không gọi điện về, cố gắng không nghĩ nhiều đến những lời nói của bố, dù sao thì tôi cũng chỉ có thể là tôi chứ không thể là một hay vài phần của chị tôi được. Tôi muốn nói với bố rằng mình đã cố gắng, rằng con xin lỗi nhưng… Tôi ư? Thấy mình giống như chú chim sẻ cô đơn hôm nào vô tình đậu bên cửa sổ.
Tối nay bão về, gió giật một chậu hoa trước hiên rơi tan tành xuống đất, tiếng mưa át mọi âm thanh.
Dương bị đau, mồ hôi vã ra như tắm, bàn tay nắm chặt vào nhau. Dì Mai ngồi bên giường khuôn mặt tái nhợt, thất thần. Đến nửa đêm, có lẽ cơn đau đã vắt kiệt sức nên anh cũng chìm vào giấc ngủ, tôi giục dì Mai đi nghỉ vì trông dì đã không còn chút sức lực nào. Mồ hôi làm cho những sợi tóc trên trán anh ướt bệt vào nhau, anh chìm sâu vào giấc ngủ, khóe mắt chảy xuống vệt nước mắt dài.
Gần sáng, tôi ngủ gục bên giường anh, thấy mình hình như lạc vào một cơn mộng mị, trong giấc mơ có một cậu con trai chừng 14-15 tuổi chạy dọc bờ cát, miệng không ngừng gọi tên tôi:
– “Hân Hân, nhanh lên, xem này!
…Hân Hân, chạy nhanh lên không nó bơi mất bây giờ.
…Anh sẽ gọi em là Hân Hân, Hân Hân tức là Hâm Hâm ý, haha”.
– “Hân! Về phòng ngủ đi” – Có ai đó lay nhẹ tay, tôi choàng tỉnh thoát khỏi cơn mộng mị.
Trời sáng, bão tan để lại những tàng cây xơ xác.
Tôi không ngủ được, cứ nằm nghĩ vẩn vơ về giấc mơ trước đó. Cậu con trai gọi tên tôi rõ ràng là một mảng kí ức tuổi thơ mà tôi còn giữ lại về Dương, nhưng tôi không nghĩ được rằng chúng tôi lại hội ngộ trong hoàn cảnh như thế này. Số phận hình như đang trêu đùa anh và mẹ mình. Những ngày gặp lại, anh không còn là cậu con trai mới lớn thích thú nô đùa cùng tôi trên bãi biển gần nhà, anh trầm mặc và đôi khi xa lạ.
Tôi vùi đầu vào gối, giá như… giá như tôi có thể làm được gì cho anh…
Mấy ngày sau, có một hôm khi đang chơi với mấy đứa trẻ con ngoài bãi phi lao, anh đứng ở hiên nhà chỗ có bộ bàn ghế hóng mát vẫy tôi. Tôi chạy lại phía anh miệng vẫn cười vì câu chuyện còn đang kể dở của bọn trẻ con
– “Gọi em hả?”
– “Ừ, rủ em ra biển chơi”.
– “Thật á?”
– “Không ! Là giả”.
– “Anh!”
Biển ở nơi này rất xanh, bờ cát trải dài phẳng lặng. Trên đường ra biển anh lấy từ trong túi ra một cái lọ thủy tinh nhỏ, trong đó còn có hai mảnh giấy được cuộn lại và bịt kín. Một mảnh có màu xanh giống biển, một mảnh màu hồng nhạt
– “Đến lúc trả nó lại cho em rồi!”
Tôi sững người nhìn anh, biển dạt dào, trên bờ cát trắng có một chàng trai và một cô gái bước dọc theo chiều dài của biển.
– “Em sao thế?”
Lọ thủy tinh đó chính là trò chơi “Lá thư trong chai” mà chúng tôi đã từng chơi, hồi đó tôi bảo với anh rằng: “Tờ màu xanh của anh, tờ màu hồng của em, nếu sau này gặp lại chúng ta sẽ cùng nhau xem mình đã viết gì trong đó”.
Nhiều năm qua đi, chính tôi khi gặp lại anh cũng không còn nhớ gì về trò chơi ấy, bởi tôi vốn là một kẻ vô tâm, thường thì những gì không quá sâu sắc tôi sẽ không giữ lại trong lòng. Tôi đặt lọ thủy tinh xuống cát, cẩn thận lấy hai tờ giấy cuộn một xanh một hồng ra khỏi lọ. Tôi trả tờ màu xanh lại cho anh rồi bảo anh hãy đọc trước đi.
Chúng tôi ngồi quay mặt ra biển, anh mở tờ giấy màu xanh và khẽ mỉm cười:
– “Anh là Dương Dương, ngày mai Hân Hân về Bắc rồi, anh sẽ rất nhớ Hân Hân, sẽ không có ai chơi cùng anh, bắt nạt anh. Nghỉ hè năm sau em nhất định phải vào thăm anh nhé!”
– “Em là Hân Hân, khi nào em trở lại anh dẫn em đi xem chim biển về tổ nhé!”
Tôi và anh cùng phá lên cười, đó là lần đầu tiên từ hôm đến đây tôi thấy anh vui như vậy, một số điều tưởng chừng ngu ngơ của những đứa trẻ con hơn 10 năm về trước lại làm tôi thực sự cảm thấy ấm lòng. Anh nhặt lấy một viên sỏi và ném xuống biển.
– “Thật ra anh không có nhiều bạn bè, hồi đó em là đứa con gái duy nhất mà anh chơi cùng”.
– “À há, vì sao thế?”
– “Vì em không khóc, không phiền phức như mấy đứa con gái khác”.
– “Cũng có thể…” Tôi bắt chước anh ném viên sỏi ra biển.
– “Má đã nói với anh chuyện của em”.
– “Thế ạ !”
– “Hân này! Em biết không? Thật ra con người ta được sinh ra trên đời này, được lớn lên và trưởng thành đã là một điều may mắn rồi. Hãy tự vào vì em còn có người để mà yêu thương. Bố mẹ nào mà chẳng thương con, chính vì thương em nên bố em mới làm thế, em hiểu không?
Ảnh minh họa: mosspink
– “Em…”
“Cuộc sống đương nhiên sẽ có những vấp ngã, những trải nghiệm, đây mới chỉ là những khó khăn đầu tiên trên con đường mà em sẽ đi, nếu em không vượt qua được thì sao có thể đi tiếp?
Hãy làm một phép so sánh đơn giản giữa anh và em nhé! Em có biết rằng một đứa trẻ mất cha như anh khao khát được ba dẫn ra biển tập bơi, được ba dạy đá banh, thậm chí thèm được nghe ba nghiêm khắc mắng chửi mỗi lúc phạm sai lầm. Những điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản đó với anh lại chẳng hề đơn giản”.
– “…”
– “Anh biết em không muốn bị đem ra so sánh, không muốn bạn của người khác áp đặt nhưng hãy hiểu cho cương vị những người làm cha làm mẹ. Đó chỉ là những phản ứng rất tự nhiên để bảo vệ em, bao bọc em.
Còn một điều nữa, cám ơn em…vì đã trở lại đây!”
Tôi khóc…dẫu biết rằng anh bảo con gái khóc là phiền phức. Anh xoa nhẹ lên tóc tôi:
– “Em gái ngoan, nhìn xem! Chim biển đang dáo dác bay về tổ đấy!”
Vài ngày sau đó bố gọi điện thoại cho tôi nói rằng ở trường gọi đến thông báo một tháng nữa sẽ tổ chức thi lại, bảo tôi thu xếp quay về. Trước khi gác máy bố còn nói với tôi một câu:
– “Về sớm con nhé! Cả nhà rất nhớ con!”
Buổi tối trước hôm ra sân bay trở về nhà, tôi có đưa cho Dương một tờ giấy màu xanh và bảo anh hãy chơi trò “Lá thư trong chai” với tôi, anh cười, một nụ cười hiền dịu. Tôi nhét tờ giấy màu hồng và xanh vào lọ thủy tinh rồi đưa cho anh.
– “Anh giữ cho em! Hè năm sau em sẽ lại vào thăm anh, khi đó anh em mình sẽ mở nó ra”.
Anh với tay lấy từ ngăn kéo ra một chiếc đĩa CD đưa cho tôi, bên trong vỏ đĩa có gắn một mẩu giấy nhỏ ghi dòng chữ: “Tặng em gái Hân Hân của anh! Tặng nó cho em để mỗi lần nghe thấy anh hát em sẽ giữ đúng lời hứa quay lại”.
Dì Mai đưa tôi ra sân bay, dì ôm tôi vào lòng dặn dò một số điều, dì bảo vài tháng nữa ra Bắc sẽ qua thăm tôi. Tôi ngồi trên máy bay, mân mê chiếc đĩa CD của người anh đặc biệt, bên ngoài là cả một biển mây, nắng chói chang rọi qua ô cửa. Tôi nhắm mắt lại, đường về nhà đã rất gần.
Sau này, khi tôi trở lại để chơi hết trò “Lá thư trong chai” thì anh đã không còn ở đó.
“Lá thư trong chai” vẫn còn và được dì Mai giao lại cho tôi. Tôi mang lọ thủy tinh ra ngoài bãi đá, ngồi thật lâu trước tảng đá to mà mình đã từng xếp đá để nguyện cầu, đâu đó như có những lời ca mà anh đã hát:
“ Về với anh…biển xanh lắm.
Về với anh… ngày nắng trong…”
– “Anh có khoẻ không?” Tôi với giọng về phía khơi xa, nhưng đáp lại chỉ là tiếng tiếng sóng vỗ ì oạp. Gió lại đưa cái vị nồng nồng của biển táp vào bờ.
Tôi mở hai tờ giấy trong lọ ra, tờ giấy màu xanh viết rằng:
– “Anh là Dương Dương, khi lá thư trong chai này mở ra anh tin rằng Hân Hân của anh đã thật sự trưởng thành. Em hãy nhìn đi, trên bầu trời đàn chim biển đang vỗ cánh bay về…”
Tờ giấy màu hồng viết rằng :
– “Em là Hân Hân, hè năm sau em sẽ lại cùng anh đi xem chim biển”.
Nắng tắt…
Thủy triều lên…
Đàn chim biển dáo dác bay về mái ấm…
Gửi từ Blogger Cá Rô: Cung Song Ngư, đơn giản nhưng không đơn điệu…