Blog Radio 217: Tết đến trong tim mọi người

Tết đến trong tim mọi người

Tết đến trong tim mọi người

  • Con ước…

Sài Gòn đang trong mùa mưa mẹ ạ!

Mưa Sài Gòn không giống như ở quê mình. Mưa Sài Gòn đến nhanh mà tạnh cũng rất nhanh y như lối sống của người dân ở đây vậy. Còn ở quê mình thì mưa rả rích suốt ngày mẹ nhỉ?

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

Mỗi lần mưa là con lại nhớ nhà da diết!. Nhiều lúc ngồi một mình con ước:

Con ước con được về nhà, trở về nơi mà con sinh ra, nơi mà con sống suốt 18 năm qua, nơi mà con có thể dựa vào khi vấp ngã, nơi mà chỉ có bình yên và con không phải lo lắng bất cứ điều gì. Ở đó có những người thân yêu nhất của con, có những kỉ niệm vui buồn mà con không thể quên. 18 năm sống bên ba mẹ giờ đi xa con mới thực sự cảm thấy buồn. Ngày con đi mẹ ôm con khóc, con cũng không biết nói gì ngoài khóc. Ba đưa con lên tàu, ba không khóc nhưng nhìn ba con biết ba cũng buồn lắm, ba nói: “Con đi mạnh khỏe”, con chỉ biết “Dạ” một tiếng rồi khóc. Lúc tàu chạy con thấy con đang mất đi một thứ gì đó mà con không thể gọi tên, một cảm giác nuối tiếc. Tàu càng chạy thì bóng ba càng xa dần. cái khoảnh khắc đó con thấy tim mình nhói đau ba mẹ ạ!

Một năm sống ở đất Sài Gòn, một năm con xa nhà con chỉ day dứt duy nhất có một điều đó là giá mà…. con đừng đi học xa

Cuộc sống xa nhà thực sự rất khó khăn, ba mẹ đã cố gắng lo cho con đầy đủ nhưng con vẫn thấy thiếu thiếu, thứ duy nhất con thiếu đó là tình cảm gia đình.

Rồi con ước con đừng đi học xa để mỗi lần nghĩ là không thể về được, để mỗi lần thấy người ta về nhà là con lại thèm rồi khóc. Con ước con không đi học xa vì mỗi năm con chỉ về nhà đúng 2 dịp hè và tết.

Con ước con đi học gần nhà để cuối tuần con có thể về nhà với ba mẹ, để con không khỏi chạnh lòng khi thấy gia đình người ta vui vẻ bên nhau.

Con ước được ôm mẹ nằm ngủ, kê đầu lên tay mẹ. Lúc đó con thấy bình yên đến lạ.

Con ước được ăn cơm chung với ba mẹ, con thèm được ăn những món ăn quê nhà mẹ nấu trong đó có một gia vị đặc biệt được mẹ nêm nếm đó là gia vị của yêu thương. Con thèm nghe câu “ Con ơi! Vô ăn cơm” của ba. Con thèm nghe tiếng đàn gà con chíu chit, thèm nghe lại tiếng gà gáy mỗi sang, thèm nghe tiếng ếch nhái vọng về trong đêm.

 

Con ước được ở nhà với mẹ để không phải lo trưa nay mình sẽ ăn gì?, để con không phải do dự mỗi lần giá tăng, để con không phải ăn cơm một mình, để bữa nào lười con không phải ăn mì gói.

 

Những lúc bệnh nằm một mình con lại ước con được ở nhà, được mẹ nấu cháo rồi ép con ăn, ngồi canh con uống thuốc vì sợ con vứt. Con thèm được nghe ba hỏi “ Đỡ chưa con!”, rồi sờ tay lên trán con, nói “Chà! Vẫn còn nóng lắm”.

 

Sinh nhật 19 tuổi của con, sinh nhật đầu tiên con xa nhà ba mẹ gọi điện chúc mừng con, con cười nói vui vẻ nhưng thực sự là con đang cố để không phải khóc. 19 tuổi con không còn là trẻ con nữa nhưng đã nhiều lúc con ước con mãi là trẻ con vô tư, không buồn phiền, để con có thể dể dàng quên đi chuyện quá khứ, để không bao giờ con nghĩ đến chuyện tương lai, để con mãi được sống dưới sự đùm bọc, yêu thương của mọi người, được nũng nịu, được khóc thật to và được cười thật lớn. Con thèm được khóc như một đúa trẻ để được mẹ ôm vào lòng vỗ về âu yếm như hồi bé nhưng giờ đây con khóc lặng lẽ, con cũng không biết tại sao, không thấy tiếng nấc nở mà chỉ thấy những giọt nước

mắt nóng bỏng cứ lặng lẽ ứa ra.

 

Mấy tháng đầu xa nhà đêm nào con cũng khóc, con nghe người ta nói dần dần rồi sẽ quen, sẽ đỡ nhớ nhà hơn nhưng mà hình như con không thể quen được mà ngược lại nỗi nhớ trong con càng nhiều hơn.

 

Con sinh ra trên mảnh đất miền trung.Cái mảnh đất miền trung quê mình gắn liền với những ngọn gió Lào hanh khô cùng những trận mưa dầm dề thúi đất nhưng con lại yêu cái mảnh đất đó, yêu con người ở đó. Con thèm được lội nước cùng lũ con nít những ngày ngập lụt, con thèm cái cảm se lạnh của mùa đông, con cũng thèm được ngắm cái ánh sáng vằng vặc của mùa trăng giữa thu, cái ánh sáng lộng lẫy, ban sơ chỉ ở quê mới có mà lâu rồi con không được thấy.

 

Có nhiều lúc bắt gặp hình ảnh những người mẹ chăm sóc cho con của mình con tủi thân lắm mẹ ạ, những lúc như vậy con chỉ muốn khóc thôi. Con thấy thiếu một cái gì đó trong con hình như là một cái ôm của mẹ, một ánh mắt yêu thương của ba, cái hơi ấm quen thuộc của nhà mình.

 

Từ sâu trong đáy lòng mình con muốn nói:

 

Con yêu ba!

 

Con yêu mẹ!

 

 

CON MUỐN VỀ NHÀ!

 

Gửi từ email banglangcodon29@

 

 

  • Tết đã cận kề

Những ngày cuối năm này, Tết đã cận kề. Đâu đó ùa về bên ta là những ngày gió lạnh mưa phùn mang về không khi Tết. Ngoài đường, phố xá ngày một đông đúc hơn, xe cộ tấp nập hối hả nhiều hơn. Người xa quê thì mong nhanh chóng kết thúc công việc đề được về quê hương sớm nhất. Ai nấy cũng muốn được sớm về bên gia đình mình để tận hưởng giây phút xum họp quây quần ấm áp bên những người thân. Quê tôi nằm bên bờ sông, đâu đó phía cuối bãi soi dài đang mùa cải đơm bông. Những bông cải vàng tươi rung rinh trước gió như đang đợi Mùa Đông về để thắm tươi hơn. Hoa cải đẹp và chỉ nở hoa vào những ngày cận Tết, hoa chỉ đẹp khi trải qua tiết trời mùa Đông giá lạnh. Không phải người trồng cải nào cũng biết điều đặc biệt này.

 

Ngoài đồng, gốc rạ chỏng chơ, những thửa ruộng đang được cày lật lại để chuẩn bị cho vụ màu sắp tới. Có nhà trồng khoai, có kẻ trồng ngô, có người tra đỗ trồng lạc. Anh vác từng bao phân, chị gánh từng gánh nước tưới cho những hạt còn đang vùi sâu trong đất, như gánh cả mùa xuân ra đồng. Đó là cái không khí lao động của những ngày Tết đã cận kề ở quê tôi. Ai cũng cố tranh thủ gieo những hạt giống của mình từ năm cũ để đợi năm mới xuân sang đâm chồi nảy lộc. Cánh đồng quê cứ chênh chao gió những ngày cuối năm. Gió đùa ngọn cây, gió thổi bùng đốm lửa cuối chiều đông làm hây hây má ai thêm đỏ, gió thổi lọn tóc mây, khẽ lay bờ sông gợn sóng, gió mang về nỗi nhớ đợi tiễn mùa qua sông. Gốc đa này là nơi những phiên chợ vẫn thường họp. Hàng ngày vẫn nhộn nhịp kẻ bán người mua ồn ã. Kẻ bán những dãi dầu mưa nắng, tảo tần từ bắp ngô, cây mía. Người mua về những giọt mồ hôi còn hằn trên từng con cá, mớ rau. Những người cán bộ công chức như chúng tôi, ai cũng tranh thủ lúc rảnh rỗi hoặc tranh thủ khi Sếp đi chúc Tết để chạy ào ra chợ. Phiên chợ những ngày cận Tết nhộn nhịp hơn ngày thường và được họp cả ngày. Tôi thích nhất là sà vào góc bán hoa Tết và cây cảnh. Đâu đó sắc Đào bích, Đào phai thi nhau khoe sắc, làm ấm áp thêm góc chợ chiều. Những gốc mai vàng, rực rỡ một màu vàng tươi mà ta cứ ngỡ như là màu nắng. Lạc vào đó tôi thấy mình như đang đi giữa một khu rừng nhỏ và ở đó tôi thấy cả một mùa xuân.

 

Phía xa, góc bờ ao nhà ai đó đã có người ngồi rửa từng chiếc lá dong. Bây giờ khi mọi thứ trở nên thương mại và dịch vụ hóa, người ta thường thuê gói bánh chưng hoặc đặt mua sẵn ở ngoài chợ nên ít gia đình còn luộc bánh chưng như trước nữa. Bỗng nhiên, thấy nhớ nao nao cái mùi khói bếp cay làm xè đôi mắt và mùi lá dong chín bốc lên ngai ngái. Thèm lắm cái thời cùng mẹ ngồi trông nồi bánh chưng đêm Ba Mươi Tết. Những năm bố đi công tác xa, Tết cũng không thể về, ở nhà chỉ có mấy mẹ con tôi loay hoay với Tết thật là vất vả. Rồi cũng qua. Nhớ những đêm Ba Mươi Tết thức đợi giao thừa để được nghe râm ran pháo nổ đì đùng. Giờ đây, không còn được nghe tiếng pháo để đón mừng năm mới như trước nữa nên có lẽ vì thế mà cái khoảnh khắc chờ đón giao thừa với trẻ con ngày nay không còn cảm thấy háo hức, thiêng liêng như chúng tôi ngày còn bé.

 

Một cơn gió lạnh vừa đi qua, mang đến cho ta nỗi nhớ về người ấy. Tết này người ấy không thể về vì đang còn phải học tập ở một chân trời xa lạ. Khi người ấy đi, đã mang theo tất cả. Mang cả nắng mưa, mang cả khoảng trời xanh mênh mang gió và mang cả bảy sắc cầu vồng lung linh vắt vẻo ngang trời. Mang đi cả tiếng thì thầm của cỏ, mang cả hương thơm ngào ngạt từ khúc mía lùi, mang cả nỗi nhớ của cô bé hàng xóm đi xa. Cô bé hàng xóm ngày xưa ấy giờ đây đã làm vợ người ta, để lại nơi gốc đa bến sông xưa một con đò quê côi cút. Thỉnh thoảng vẫn có tiếng gọi đò “ời ời” buồn man mác để ai đó bất giác lại bâng khuâng nhớ  về chuyến đò cuối năm nảo năm nao một thưở dại khờ.

 

Một vệt nắng chợt bừng lên giữa chiều Đông làm ấm lại lòng ta, ấm lại lòng người. Nhà nhà mang quần áo ra phơi tranh thủ nắng. Thoang thoảng đâu đây mùi Hoa Mùi già thơm ngào ngạt. Bà nội tôi bảo cuối năm tắm nước Hoa Mùi già là để rửa sạch những bụi bặm, nhơ nhớp của năm cũ để đón một năm mới tinh khôi. Bà còn nói, những ngày cận Tết mà nắng thế này thì sau đêm giao thừa gió lại chuyển mùa và thời tiết sẽ lạnh lắm đây. Sau khi cúng tất niên mà có mưa rào thì năm đó mùa màng sẽ bội thu và phải chăng vì thế mà ta vẫn mong những hạt mưa xuân lất phất bay về để cho cây đời lá mãi xum xuê và sai quả ngọt. Giao thừa, thời tiết đổi thay, cỏ cây đổi thay, vạn vật đổi thay, hỏi rằng anh có đổi thay? Có hay không chỉ có trời biết, đất biết và anh biết. Phải thế không?

Chuyện những năm xưa, có một con gà mái đã được mẹ nuôi rất lâu mà chẳng thấy đẻ quả trứng nào mặc dù gần đây ngày nào cũng nghe thấy ở đâu đó tiếng nó kêu” cục ta cục tác”. Mẹ tìm mãi mà cũng chẳng thấy những quả trứng của nó ở đâu nên buồn lắm. Mẹ nghĩ là có con gì đó đã tha những quà trứng của nó đi rồi. Thế rồi, một ngày cuối năm bác hàng xóm mang sang cho mẹ một rổ có nhiều quả trứng gà và nói: “chị đừng ngại, đây là những quả trứng mà con gà nhà chị đã đẻ ra. Chị hãy nhận lấy nó và đừng ngạc nhiên vì có những thứ mà chị nuôi nấng, gieo trồng ở nơi này nhưng nó lại ra hoa kết quả hoặc đẻ trứng ở nơi khác. Vì vậy, hãy gieo hạt, chăm sóc rồi tin tưởng, chờ đợi để đón nhận những thành quả lao động của mình”.

Chỉ còn vài ngày nữa là qua một năm cũ, thời khắc đón năm mới đang ùa về. Lúc này đây, Tết đã đến rất gần. Thèm được trở về bên phố xá ồn ào, bụi bặm nơi quê nhà để được nghe tròn đầy câu hát “Tết …Tết…Tết …Tết đến rồi!” râm ran khắp nẻo đường quê. Bất chợt nhìn thấy ngọn khói lam chiều bàng bạc từ phía xa làm cho lòng ta bâng khuâng nhớ mãi những Tết quê. Nhớ cái lạnh cắt da cắt thịt giữa chiều gió bấc mưa phùn hanh hao đến lạ. Nhớ từng gốc rạ chỏng chơ đang đợi mùa đổ ải nước về.

Cũng bánh chưng xanh, cũng mùi hương trầm ngào ngạt nhưng vẫn thiêu thiếu những cái gì thật khó tả. Phải chăng đó là thiếu tình người, thiếu không khí đùm bọc sum vầy hay thiếu những bàn tay nắm lấy bàn tay. Một cái Tết như thế lại đang cận kề với bao cảm xúc nồng nàn, bâng khuâng xáo trộn. Bạn có biết là ở nơi xa kia cũng có biết bao nhiêu người đang đợi Tết. Những cái Tết xa với những người con xa cứ thoang thoảng, phảng phất nỗi nhớ nhà. Bạn đã bao giờ đón cái Tết như vậy chưa? Đó là cái Tết của những người không thể về quê ăn Tết. Tết đang về  gần, để cho nỗi nhớ cứ chênh vênh…

 

  • Gửi từ email Nguyễn Thúy Hạnh

 Ông ơi, tết về…!

 

Tết về đến thềm rồi ông ạ, ông sao vắng nhà lâu thế?

 

1 năm trước, ông vẫn gọi điện hỏi “cháu bao giờ thì nghỉ tết?”, ông tất bật với những lá lau, bánh trái, chuẩn bị cái tết cho con cháu.

 

1 năm sau, cháu không còn muốn về nghỉ tết nữa, đôi chân cháu trùng xuống khi chờ mãi mà không thấy ông gọi cho cháu, tết năm nay sẽ thế nào hả ông?

 

Ông không thích ăn đồ nếp, nhưng vì các cháu mà ông vẫn tất bật làm các loại bánh, các cháu về tết với ông bà mà chỉ biết đòi hỏi ông bà làm bánh gì, có làm nhiều không, chẳng biết đến ông bà vất vả thế nào, đêm hôm trông những nồi bánh, cặm cụi gói gói, nấu nấu, giữa cái rét cắt da, cắt thịt mà tay lúc nào cũng ngấm nước và củi lửa, ông ơi, sao cháu ân hận quá…

 

Tết trước cháu vẫn cùng ông xách nước đi tảo mộ, cháu 20 tuổi mà có xô nước be bé ông cũng hỏi “có xách được không, đưa ông xem nào”. Cháu chỉ bảo:

 

“cháu 20 tuổi, ông hơn 70 tuổi rồi ông ạ”

 

Ông có nhớ không ông? Với ông, những đứa cháu chưa bao giờ là người lớn, ông cứ nhận hết phần việc mà lẽ ra các cháu đã có thể làm được rồi, lý do đơn giản của ông chỉ là “đưa ông cho khỏi lấm quần áo”. Vâng, bây giờ ai lo chúng cháu lấm quần áo nữa ông, nhìn bức ảnh ông thay vì nó được cất trong tủ thì giờ nó trưng lên giữa một cái bàn cao, thay vì nhìn thấy ông đi qua đi lại, đi lên đi xuống trong nhà thì chỉ xem lại những clip ngắn ngủi, những bức ảnh mà chỉ cần xem một lúc là hết, còn hình ảnh ông, bóng dáng ông thì cháu tìm ở đâu? cháu thật sự không mong cái tết này ông ạ, cái tết ông vắng nhà, cháu xót xa lắm ông ơi!

 

Ông không còn gói cho cháu cái bánh chưng to nhất để cháu mang đi, ông không dậy cháu cắt lá bánh, gói bánh thế nào cho đẹp, ông không để phần, để dành quà cho cháu, cháu chỉ biết nhận từ ông yêu thương mà cháu làm được gì cho ông suốt 20 năm cháu là cháu của ông, ông nhỉ? Ông có nhớ cái bánh năm trước ông gói, ông bảo dành riêng cho cháu cái bánh chưng to nhất, nhiều nhân nhất, nấu chín ông treo riêng cho mà mang đi, cháu chỉ biết cười sung sướng với các anh chị em, tự hào là mình có cái bánh to nhất, chứ không nghĩ rằng đó là cái bánh chưng cuối cùng cháu được nhận từ ông.

 

Đã 6 tháng rồi ông ạ, 6 tháng rồi cháu vẫn chưa tin được rằng cháu không còn gọi hai tiếng “ông ơi” hàng ngày nữa. về đến nhà cháu chỉ muốn lao lên nhà trên gọi “ông ơi” nhưng thứ đập vào mắt cháu là bức di ảnh trên bàn, cháu  giật mình chỉ biết thắp hương nhủ thầm “ông ơi, cháu mới về”

 

Nếu ông còn ông sẽ đón cháu từ cổng ông nhỉ, vẫn sẽ là “cháu gái về mang gì về cho ông bà đấy”, sao giờ giọng nói đấy chỉ vang vang trong tiềm thức của cháu, cháu cũng thèm khát được nghe lại, cháu chỉ tiếc rằng cháu chẳng thể giữ mãi khoảnh khắc ấy tồn tại vĩnh hằng.

 

Ông ơi, tết…

 

Tết về cháu lại càng nhớ ông, mất mát lấy gì để lấp đầy lên được? nỗi nhớ lấy gì để thế chân, chúng cháu lại về đây, về với ngôi nhà có bóng dáng ông đến tận hơi thở cuối cùng, lại về với ông, ông vẫn sẽ nhìn thấy những đứa cháu, nhưng cháu thì chẳng thể thấy bóng hình ông, ông ơi, ở nơi thiên đường cực lạc, ông vui vẻ nhé, năm mới an lành ông nhé! Năm mới rồi, năm mới này và mãi mãi về sau cháu chẳng còn được chạy đến ôm ông chúc ông năm mới nữa, cháu chỉ nhớ rằng “ông của cháu mãi ở đây, trong tim và trí nhớ của cháu”…

 

  • Gửi từ email Nhung dr.nhungla@
Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn