Blog Radio tuần này rơi vào một ngày đặc biệt, ngày Tết Trung Thu. Hôm nay bạn đón Trung Thu ở đâu? Nếu bạn đang online thì Blog Radio sẽ cùng bạn đón ngày Trung Thu qua hai bài viết, hai ký ức của bạn đọc gửi tới chương trình, hy vọng chương trình sẽ mang lại những cảm xúc đẹp và không khí trung thu náo nức ở ngay bên bạn!
Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!
Năm tôi khoảng 6 tuổi, nhà tôi chuyển vào Đông Hà, một thời gian sau tôi mới được ba đón vào nhà mới. Ngồi trên xe ôtô cùng với ba và thêm một bác cùng cơ quan, không hiểu sao lúc đó trong lòng tôi cứ trào dâng những cảm giác kỳ lạ? Đấy không phải là lần đầu tiên tôi được vào Đông Hà, mà vì một nhẽ cứ mỗi khi nhìn ra ngoài cửa xe, tôi lại trông thấy những cái mặt nạ xinh xinh, những cái lồng đèn với rực rỡ đủ màu sắc treo khắp đường phố.
Đôi mắt tôi tròn xoe đầy vẻ ngạc nhiên tò mò, hỏi ba:
– Ba ơi, cái chi ngoài nớ, mà họ bán nhiều rứa?
Ba tôi cùng với bác cùng cơ quan bỗng phá lên cười, bảo:
– Họ bán đồ trung thu đó!
Tôi lúc ấy đang ngồi trên chân bác, ngước mắt lên tôi ngạc nhiên hỏi tiếp:
– Bác ơi, trung thu là cái chi?
Bác lại nhìn tôi cười và bảo:
– Trung thu: có bánh kẹo, có mặt nạ, có đèn ông sao và có cả múa lân rất vui.
Đấy là lần đâu tiên trong đời tôi được nghe đến hai từ “Trung thu”, nên trong đầu tôi cứ hiện ra những thứ bác ấy đang kể. Nói xong, bác liền lấy trong túi áo ra tờ hai chục nghìn đưa cho tôi:
– Bác cho. Hồi nói ba đi mua mặt nạ và đèn ông sao, nhé!
Vào khoảng những năm 92, 93, thì hai chục nghìn là một số tiền tương đối lớn, tôi chuyển hướng ánh mắt ngần ngại để xin sự đồng ý của ba đang ngồi lái xe kế bên. Bởi từ nhỏ tôi đã hình thành một thói quen là hễ mỗi lần có ai cho bất cứ thứ gì, thì nhất quyết phải có sự đồng ý của ba mẹ, nếu không tôi sẽ không bao giờ dám cầm. Ba gật đầu đồng ý. Tôi còn nhớ tờ hai chục nghìn màu xanh nước biển còn mới nguyên và đấy cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm trên tay một số tiền lớn tới như vậy. Về đến nhà mới, tôi liền đưa số tiền hồi nãy cho ba và dặn:
– Ba mua cho con ba cái mặt nạ, ba cái đèn ông sao với cả trống nữa nghe.
Nhà mới của tôi được xây bằng xi măng và quét vôi màu xanh, dưới sàn nhà được tráng xi măng, chứ không phải nền đất như nhà cũ ở quê. Tôi đi khắp một lượt nhà đầy vẻ thích thú khi trước mắt mình tất cả đều mới lạ, bất chợt tôi nghe thấy những tiếng trống tùng tùng ở đâu đó? Từ trong nhà nhìn ra tôi trông thấy những đứa trẻ chạc tuổi mình đang háo hức nô đùa; có đứa thì đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không, rồi có đứa lại đeo mặt nạ Chư Bát Giới với cái bụng rất to, còn có đứa thì đeo mặt nạ Quan Thế Âm hiền từ nữa. Chúng vô tư chạy nhảy khắp xóm, tiếng cười đùa xen lẫn cùng tiếng trống, cộng thêm những chiếc lồng đèn rực rở đủ màu sắc. Tất cả những thứ kia làm cho tôi cảm thấy thèm thuồn và muốn cùng hoà vào chạy nhảy vui chơi với chúng nó, nhưng có một cái gì đó khiến tôi chợt nhận ra mình không hề giống những đứa trẻ ấy. Mẹ dẫn tôi đi tắm và bảo:
– Hôm ni nhà mình sẽ ăn cơm sớm, để còn coi họ múa lân.
Nghe xong câu nói của mẹ, sự háo hức chờ đón trung thu trong tôi lại được nhân lên gấp bội lần hơn trước. Chiều ấy ba đi làm về mua cho ba chị em chúng tôi, mỗi đứa một cái đèn ông sao năm cánh rất đẹp, rồi thêm ba cái mặt nạ ngộ nghĩnh và còn có một hộp bánh trung thu cực ngon luôn. Mẹ vừa cất mâm cơm xuống bếp, ba đã chỉ tay ra ngoài trời nói với chúng tôi:
– Các con thấy chưa? Múa lân sắp vô nhà mình rồi đấy!
Tôi rất nôn nóng muốn xem múa lân là gì? Vừa lúc đó một tốp người ở đâu bỗng chạy ào vào nhà tôi, người thì cầm một cái trống rất to, người thì cầm một phần đầu con sư tử, còn tiếp sau có thêm hai người cầm phần đuôi ở cuối và nhảy theo nhịp trống. Hai đứa em của tôi đã khóc ré lên vì sợ; một đứa thì chạy vào phòng còn đứa kia thì chui xuống dưới bàn. Còn tôi mặc dù hơi sợ vì chưa bao giờ thấy múa lân, thấy Tôn Ngộ Không và Chư Bát Giới bụng phệ, vậy mà vẫn cảm thấy vui sướng vô cùng khi được Chư Bát Giới đứng quạt cho mình.
Bây giờ cuộc sống đã thay đổi; những chiếc lồng đèn được làm bằng giấy màu, giấy dầu đã bị thế chỗ cho những chiếc đèn Trung Quốc chạy bằng pin với đủ các kiểu dáng khác nhau. Còn những cái mặt nạ bằng giấy được lấy hình mẫu từ các nhân vật trong câu chuyện cổ tích đã bị thay bằng các siêu nhân, người nhện, người ngoài hành tinh và nguy hiểm hơn khi có những cái mặt nạ với hình thù quỷ quái từ các bộ phim kinh dị. Thậm chí bây giờ mỗi khi gần tới trung thu là nhà nhà đều phải đóng chặt cửa vì sợ những toán nhảy múa lân quậy phá mất trật tự. Tất cả những thứ trên lại khiến tôi ao ước giá mà thời gian có thể quay trở lại những năm trung thu về trước thì hạnh phúc biết bao? Thời đó, một cái bánh dẻo nhân đậu xanh trộn dừa chỉ có hai nghìn đồng, vậy mà tôi lại thấy ngon hơn rất nhiều lần so với một cái bánh dẻo mấy chục nghìn thời nay.
Phải chăng sự thiếu thốn khó khăn vất vả mới có thể giúp cho chúng ta tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc sống ?
Vì hạnh phúc không phải là những thứ cao sang lộng lẫy, mà đó là lúc chúng ta tìm thấy những ý nghĩa sâu xa từ những điều giản đơn nhất, phải không bạn?
Gửi từ email Trà My – giacmodoichanthienthan
Lời tác giả: “Tết Trung thu đang tới gần, nghĩ đến số phận của những em nhỏ đáng thương, mong bài viết này sẽ làm những con người.. ở đâu đó… suy nghĩ.”
Ở đâu đó trong cuộc đời này, vẫn có những đứa trẻ mồ côi đang lang thang trên những đường phố, thời tiết nóng nực của mùa hè và cảm giác lạnh đến thấu xương đang dần hành hạ chúng. Không một bến đỗ trong cuộc đời, không còn những người cha, người mẹ làm đúng bổn phận của mình, không có cơm ăn ba bữa, không có được một cái áo ấm lành lặn trong mùa đông giá rét…
Và cũng ở đâu đó, có những đứa trẻ đang hạnh phúc trong vòng tay của bố mẹ, ấm áp trong chăn ấm nệm êm, đang ngồi trước bàn ăn với một số lượng thức ăn nhiều đến nỗi mà những đứa trẻ kia không bao giờ có thể nghĩ đến. Bất hạnh thay! Cùng là trẻ con, cũng là một kiếp người nhưng sao có những đứa trẻ lại đáng thương đến thế?
Ở đâu đó, những đứa trẻ lang thang đang phải đi xin từng miếng cơm để sống qua ngày, tìm một chỗ ngủ trong công viên một cách tạm bợ… Người ơi, xin hãy động lòng trắc ẩn trước những số phận như thế, đáng thương biết bao…
Thay vì những tiếng chửi đến xé lòng khi thấy sự xuất hiện của chúng trong quán ăn, công viên hay đâu đó, hãy nở một nụ cười thân thịên, chúng ta đều là con người cơ mà, việc gì phải hạ thấp mình như thế, có nhất thiết phải chửi mắng và xua đuổi chúng như thế không? Sẽ tốt hơn nếu bạn cho những em bé đó một nụ cười hoặc một mẩu bánh mì cho bữa tối, tất cả sẽ cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều. Đúng không? Đó cũng là một việc thiện đấy!
Bao kiến thức học được trên ghế nhà trường đâu phải được thể hiện qua những tiếng chửi đúng không nào? Em bé sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi ngoài cha mẹ mình, ít nhất trong xã hội này, vẫn luôn có những người tốt sẵn sàng sẻ chia với mình…
Ở đâu đó, trong những bệnh viện, tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh làm mọi người bật khóc vì hạnh phúc thì ở ngoài kia, có những bà mẹ trẻ đang tâm vứt bỏ đứa con yêu dấu của mình!
Ở đâu đó, có những người nước mắt lã chã rơi vì tìm thấy sinh linh bé nhỏ đang lim dim đôi mắt, nằm trên bãi cỏ công viên. Thật tội nghiệp biết bao!
Và cũng ở đâu đó, ta đâu có biết rằng, đứa trẻ đi ăn xin bị người phụ nữ ấy xua đuổi lại chính là đứa con mình bỏ rơi năm nào…
Ai mà ngờ được. Mọi chuyện bất ngờ đều có thể xảy ra…
Xin hãy sống đúng đạo làm người của mình.
Xin ai đó đừng vì bất cứ lí do gì mà vứt bỏ đứa con mình đã từng mang nặng đẻ đau!
Tôi viết câu chuyện này, hẳn nó đã phản ánh một phần thực trạng của cuộc sống chúng ta. Vậy đấy! Quả thật có những người rất đáng trách phải không?
Sắp đến ngày Trung thu rồi, chúc mọi người có Tết Trung thu vui vẻ, các em bé được hạnh phúc bên không khí ấm cúng của gia đình.
Và cũng xin ai kia đừng làm cho số phận trẻ thơ thêm bất hạnh.
Mong sao các em bé đều có một gia đình thật ấm êm!
Mong lắm!
AnJess
20.09.09
Gửi từ email Moore Poppy – poppy_moore212
Blog Radio chuyển thể từ bài viết của Trà My và Moore Popppy