Các bạn thân mến, giữa dòng đời tấp nập, có những người chưa đến duyên – đến phận nhưng họ lại trở thành những phần không thể thiếu trong cuộc đời của nhau. Cuộc sống hiện đại nhiều khi người ta nghi ngờ liệu còn bao nhiêu người sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác? Câu trả lời là còn rất nhiều bởi có người sẵn sàng vượt qua những dị nghị của dư luận để cứu vớt mảnh đời bất hạnh. Mời các bạn theo dõi và chia sẻ ý kiến với câu chuyện của Blog Radio tuần này!
Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!
Blog Radio – Anh là giáo viên trẻ mới ra trường, về công tác ở mãi tận vùng hẻo lánh xa xôi của một miền trung du. Mùa mưa, đất nhão nhét không muốn bước chân ra khỏi nhà. Mùa nắng, những giọt nước trở nên cực kỳ quý giá và hiếm hoi…
Rồi còn cháy rừng, đất lở, mưa giông, lũ quét… Chừng ấy khó khăn trong lời của gia đình, bạn bè cũng không làm anh nhụt chí mà từ bỏ ý định đến với các học sinh nơi đây. Anh đến với các em bằng nhiệt huyết và sự say mê của một giáo viên trẻ tuổi. Anh muốn truyền cho học sinh không chỉ kiến thức, cả sự hồn nhiên, tươi trẻ của mình.
Có lẽ ông trời cũng đồng tình, ủng hộ với quyết định của anh nên ngày anh về là một ngày dịu mát, trời xanh trong gieo vào lòng người những niềm vui rộn ràng và tươi trẻ.
Anh về ở nhà Quang – giáo viên dạy toán, kiêm luôn Bí thư Đoàn trường. Và theo những gì anh tìm hiểu thì đây là một gia đình có truyền thống sư phạm: Đời cụ Quang, trong nhà có người dạy học ở trường Bưởi, ông cụ đẻ ra bố Quang bây giờ, trước kia cũng là thầy đồ dạy học. Hiện tại, bố Quang là hiệu trưởng một trường tiểu học, còn mẹ Quang làm ở trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Quả là một truyền thống đáng để tự hào!
Còn gia đình anh, thậm chí cả họ nhà anh, chỉ có mỗi mình anh theo con đường sư phạm. Có lẽ đó là ý trời… Thuở nhỏ, anh thích chơi đùa cùng những con vật nhỏ xinh, giả làm thầy giáo dạy chúng học. Học lớp bốn rồi nhưng những giờ ra chơi anh vẫn thích chạy sang chơi ở lớp mẫu giáo bên cạnh trường… Bốn năm Đại học anh vẫn giữ được khuôn mặt cực kỳ “baby”, vóc dáng thư sinh, trắng trẻo và tính tình vô tư, yêu đời như hồi còn học cấp Ba, chẳng có gì thay đổi…
Ngày đầu tiên, Quang dẫn anh đi lòng vòng khắp nơi, đến thăm nhà một số giáo viên trong trường và để cho anh thông thuộc đường đi lối lại…
Buổi tối, sau chương trình thời sự là anh về phòng, nằm lăn ra ngủ luôn. Lúc Quang gọi dậy xem bóng đá, anh có biết nhưng chân tay mỏi rã rời nên vờ không nghe thấy. Nhưng rồi một lát sau, có tiếng la hét, khóc lóc ở phòng bên khiến anh giật mình tỉnh hẳn. Anh định chạy ra xem có chuyên gì thì Quang có mặt và ngăn lại.
– Không có gì đâu, rồi cậu sẽ quen thôi!
Quang nhỉnh hơn anh hai tuổi, nhưng hai người xưng hô với nhau như những người bạn cho thân mật – cả Quang và anh đều nhất trí như thế. Anh nằm im, nghe Quang tâm sự:
– Đó là đứa em gái bướng bỉnh của mình. Nó bằng tuổi với cậu đấy, học ở mãi tận trong Thành phố Hồ Chí Minh và cũng mới về được một tuần nay thôi – với cái thai sáu tháng trong bụng… Mình với cậu hẳn chẳng lạ gì chuyện sống đôi, sống thử của một bộ phận sinh viên… Em gái mình cũng không thoát khỏi chuyện đó. Và bây giờ thì…
– …
– Gia đình mình đã gọi điện vào trong đó cho gia đình gã kia để tìm cách giải quyết thì hay tin tên này nhiễm virut HIV do tiêm chích ma túy… Quả là một tin sét đánh ngang tai… Đó là lý do mà không khí buồn tẻ bao trùm lên căn nhà này cả một tuần nay rồi!
Quang lặng im.
Anh cũng vẫn lặng im, từ đầu đến cuối… Anh không ngủ lại được và thức một mạch đến sáng với những dòng suy nghĩ riêng của mình. Anh biết Quang cũng không ngủ, nằm bên cạnh anh trở mình liên tục…
Anh định sau những giờ lên lớp, buổi chiều anh sẽ tới nhà từng em học sinh do mình chủ nhiệm, vừa để biết tình hình của mỗi em trong lớp, vừa để hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Nhưng dự định ấy lại chưa thực hiện được.
Đã hơn hai tháng rồi. Anh bắt đầu cảm thấy mọi thứ ở đây thân thuộc đối với mình. Và chuyện về em gái của Quang đã chiếm mất thời gian cho cái dự định ban đầu kia của anh.
Những buổi chiều trôi qua sự trầm ngâm của anh, trong căn phòng nhìn ra dòng sông dã quỳ vàng một màu hiu hắt. Bất chợt ở ban công phòng bên cạnh có tiếng động. Anh nhìn sang, bắt gặp một khuôn mặt hốc hác, tiều tụy. Đôi mắt cô gái nhìn xoáy sâu vào anh không chớp khiến anh cảm thấy rùng mình. Và ánh mắt ấy cứ ám ảnh anh, theo anh cả vào trong giấc ngủ.
Ánh mắt ấy nói gì? Cô gái đang nghĩ gì? Cuộc sống của cô không thể mòn mỏi, lặng lẽ như Quỳnh và Giao trong “Tỏa nhị Kiều” của Xuân Diệu được. Nếu cuộc sống chỉ cho ta một trái chanh, thì tại sao ta không kiếm thêm một chút đường để có một ly nước chanh hoàn hảo? Anh học được điều đó. Trong khổ đau, con người ta lại sẽ tìm ra sự khởi phát của sức mạnh. Và anh, anh thấy mình có trách nhiệm gõ cửa, khơi dậy sức mạnh và nghị lực ấy trong cô…
Rồi từ đó chiều nào cũng vậy, anh lại ra đứng ở ban công, hướng về phía phòng cô gái và đọc những mẩu chuyện về số phận của con người. Nhân vật trong mỗi câu chuyện anh kể có những nỗi bất hạnh, mất mát, khổ đau riêng – nhưng họ đều có chung một thứ. Ấy là ý chí và nghị lực để vượt qua tất cả những điều đó…
Ban đầu, chỉ có anh với khoảng trống của ban công phía bên kia. Nhưng rồi những câu chuyện bình dị cảm động, giọng kể đầy truyền cảm, như tâm tình, nhắn nhủ ấy của anh khiến cô gái mở cửa bước ra, đứng nhìn anh – im lặng… Anh thấy đôi vai nhỏ bé của người con gái run lên theo từng tiếng nấc….
Hai ngày sau, khi ở nhà điện thoại lên báo tin chị gái anh sinh một bé trai kháu khỉnh, thì trên này em gái Quang cũng bắt đầu trở dạ. Bố Quang giận con gái mình và xem ra không có ý định tha thứ. Chỉ có ba người: anh, Quang và mẹ cô đưa cô vào viện.
Nửa giờ sau khi sinh, người con gái bất hạnh ấy đột ngột ra đi trong sự bàng hoàng, sững sờ của mọi người… Mẹ Quang ngất ngay tại chỗ. Còn anh, anh không thể nào quên được khuôn mặt ấy – khuôn mặt bình thản như đi vào giấc ngủ. Trên mi mắt cô còn đọng những giọt nước mắt – những giọt nước mắt khổ đau hay hạnh phúc – hạnh phúc khi được ôm sinh linh bé nhỏ ấy của mình trong vòng tay, có lẽ chỉ anh mới hiểu được…
Một buổi chiều thứ bảy, người ta thấy anh về với một đứa bé trên tay. Những con mắt tò mò, những cái miệng đoán già đoán non… Chẳng mấy chốc cả khu phố đồn ầm lên rằng đó là con riêng của anh. Anh chẳng buồn giải thích, và cũng không có thời gian để giải thích cho tất cả mọi người. Anh mừng vì bố mẹ và chị gái khi nghe anh kể lại câu chuyện tỏ ra cảm thông và không nhìn đứa bé với cái nhìn xa lạ, lạnh lùng.
Người mà anh tưởng sẽ hiểu và thông cảm cho anh nhiều nhất – là người yêu anh thì lại không như anh nghĩ. Dường như với cô, câu chuyện của anh chỉ như một lời thanh minh cho lỗi lầm của mình… Hai người chia tay. Anh không trách cô, chỉ tiếc nuối cho mối tình đầu với những thánh ngày tươi đẹp mà anh và cô đã có.
Một tiếng thở dài trong đêm!
“Thời gian thấm thoắt thoi đưa,
Lặng trôi – tôi với ngẩn ngơ ngỡ ngàng…”
Anh bâng khuâng chép vào sổ thơ của mình hai câu thơ như thế.
Sáu năm trôi qua…
Nhanh thật! Anh không nghĩ mình đã gắn bó được chừng ấy thời gian với mảnh đất này. Lớp học sinh đầu tiên của anh, giờ có người sớm trưởng thành và thường xuyên liên lạc với anh. Soi mình vào gương, anh dễ dàng nhận ra mình đen hơn, khuôn mặt “baby” ngày nào giờ có vẻ “xương xẩu” một chút và rắn rỏi hơn. Anh mỉm cười – nụ cười nguyên vẻ rạng rỡ tràn đầy như thuở nào…
Một buổi sáng trời đổ mưa – cơn mưa đầu mùa ngọt lành và mát mẻ. Anh vừa từ dưới nhà trở lên, và lần này không giống như bao lần về thăm nhà khác vì anh dắt theo một bé gái tóc ngắn có đôi mắt to tròn đầy vẻ lém lỉnh, trông khá thông minh. Đó là đứa trẻ của sáu năm về trước. Nó đã đến tuổi đi học. Và anh muốn cho nó vào học ở ngôi trường của ông ngoại nó, với tờ giấy khai sinh có tên con bé, tên mẹ nó, và tên anh.
– Vậy là khi đến nhà, con phải chào bác Quang, chào ông bà ngoại hả bố? – Cô bé hỏi lại anh.
Anh mỉm cười xoa đầu con bé. Nó đã trở thành một phần ý nghĩa trong cuộc sống của anh tự bao giờ, anh chẳng biết, chỉ biết những lần ở nhà điện lên báo tin nó bị sốt phải vào viện, hay có chuyện gì liên quan đến con bé là anh lại cuống cuồng thu xếp về ngay. Nhiều lần anh tưởng chừng như con bé không thể qua khỏi. Người nó xanh xao, gầy guộc… Nhưng cuối cùng ông trời cũng nghe thấy lời nguyện cầu của anh để cho nó tiếp tục được làm bạn với anh. Anh biết sẽ đến một ngày, nó cũng phải ra đi, giống như người mẹ bất hạnh của nó, nên anh dồn hết tình yêu thương từ trái tim đầy nhiệt huyết của người học Văn, dạy Văn cho đứa trẻ này.
Anh dẫn con bé ra mộ của mẹ nó trước, đúng vào mùa dã quỳ nở vàng mênh mang. Con bé thích lắm! Nó chạy nhảy, nô đùa giữa thảm hoa màu vàng rực rỡ như một chú chim nhỏ xinh hồn nhiên… Ánh nắng buổi mai rọi xuống bờ vai nó, lấp lóa trên vành mũ trắng và những sợi tóc mai sáng bừng lên, trông như một thiên thần nhỏ đáng yêu!
Nhưng không phải chỉ có một mình anh say sưa với khung cảnh thần tiên ấy.
Từ trên ban công của ngôi nhà cách đó chừng 100m, có một đôi mắt khác cũng đăm đắm nhìn vào con bé với một nỗi niềm xúc động ghê ghớm!
Đó là bố của Quang. Ông chợt bàng hoàng… Đứa bé gái ấy sao lại giống với con gái ông hồi nhỏ đến vậy!
Và đôi mắt ông ươn ướt…
Mùa mưa đang về với miền trung du, tưới đằm và dịu mát lòng người để chợt nghe xôn xao những thanh âm rộn ràng tươi trẻ…
Sao em không về mùa dã quỳ nở mênh mang?
Blog Radio chuyển thể từ truyện ngắn của Blogger Lương Đình Khoa: “Mùa bao ký ức cho mình nhớ thương…”