Blog Radio 69: Quà tặng mẹ chồng

Quà tặng Mẹ chồng

Quà tặng Mẹ chồng

Chào mừng các bạn đến với Blog Radio 69 – số đặc biệt dành tặng ngày của nửa thế giới, ngày của phái đẹp, ngày của những người phụ nữ yêu thương.

Và chương trình Blog Radio 69 với chủ đề Ngày phụ nữ Việt Nam, BBT Blog Radio dành tặng những ai đã – đang – sắp và sẽ làm dâu, làm mẹ chồng. Mời các bạn nghe loạt tâm sự của bạn đọc mang tên: Quà tặng mẹ chồng.

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

Mẹ chồng – Nàng dâu 
Thân tặng những ai đã – đang – sắp và sẽ làm dâu, làm mẹ chồng.

Mẹ yêu con – vợ yêu chồng – chồng yêu cả mẹ lẫn vợ nhưng lắm khi mẹ lại ghét con dâu, con dâu lại không ưa mẹ chồng. Rắc rối triền miên. Cuối cùng người được cả mẹ và vợ thương yêu lại là người cực khổ nhất. Làm sao hóa giải sự rắc rối, đau khổ muôn đời này đây?

Trong ca dao tục ngữ, dân gian dành một khối lượng lớn nhận xét cho mối quan hệ phức tạp tưởng chừng không thể hóa giải nổi này. Nào là:

Thật thà cũng thể lái trâu

Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng

– Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói 

Chính vì nỗi lo sợ này nên hầu hết các cô gái rất sợ phải làm dâu.

Các cô gái ngày nay lại càng sợ vì từ bé ở với cha mẹ, nhà ít con, được chiều chuộng sung sướng, mọi việc đều được mẹ các cô lo cho hết, người yêu các cô cũng cho qua mọi sự vụng về nhưng mẹ anh ta sẽ xét nét mọi nhẽ, sợ quá anh yêu ơi! Ở riêng đi thì mới cưới. Nhưng nhà anh ta cũng ít con, thậm chí chỉ có một con trai. Làm thế nào đây?

Phải hóa giải bế tắc này, phải nhận thức lại từ đó thay đổi ứng xử của hai nhân vật chủ chốt đó là mẹ chồng và con dâu.

Nếu trước kia, các bà mẹ chồng quen nghĩ và biểu hiện tâm lý sâu xa là: mình mất trắng đứa con trai yêu thương đứt ruột đẻ ra vào vòng tay một cô gái xa lạ rồi. Bà xét nét con dâu, chê trách con dâu và ghét con dâu nếu con trai mình bênh vực vợ, xa lánh bà. Khi có sự cố giữa bà và con dâu, bao giờ bà cũng trái. Càng thất vọng, càng uất ức, thậm chí có người ghen tuông lại nghĩ ra lắm chuyện để kéo con trai xa con dâu… 

Cô con dâu ngày trước nghĩ theo ngả khác: “Mình yêu con trai bà, lấy con trai bà, trở thành người mình gọi bằng mẹ… Nếu bà tử tế thì tử tế lại, nếu cứ xét nét, hành hạ, tất có ngày phải về nhà bố mẹ!”

Kết quả của cách nghĩ và hành xử như vậy tất yếu dẫn đến bất hòa liên miên nhưng vẫn phải sống chung vì con làm sao bỏ mẹ, cháu làm sao bỏ bà, chồng vợ làm sao bỏ nhau. Tất cả đều bế tắc, đều khổ!

Vậy bây giờ phải thay đổi cách nghĩ và hành xử thế nào cho đúng để hóa giải được rắc rối, bế tắc đây? Cũng may và thuận lợi, ngày nay các thế hệ mẹ chồng 4X, 5X, các thế hệ con dâu 7X, 8X đều có học, chí ít từ phổ thông đến Đại học, trên Đại học nên dễ hiểu ra chân lý mà xoay đổi lại. Thay đổi như thế nào?

Người mẹ chồng nghĩ đúng rằng: Người ta sinh ra con cái, nuôi nấng chu đáo, dạy dỗ cho học hành tử tế, có nghề nghiệp, việc làm nay gả cho con trai mình do tôn trọng tình cảm của con chứ không phải nhằm lấy của nả gì, mình như được thêm đứa con gái trong nhà.

Gia đình mình, con trai mình trước đây chỉ có mình chăm sóc, lo lắng nay có thêm cô gái tự nguyện cùng mình san sẻ gánh nặng, cùng mình thương yêu con trai mình. Bà mẹ chồng cũng phải hiểu rằng: Ngày xưa mình yêu thế nào nay bọn trẻ cũng phải yêu hơn thế. Bà là mẹ, thương yêu con dâu, dạy dỗ con càng tốt chứ sao cứ phải trưng khuyết điểm của nó ra, như thế cũng tức là tự nhận mình không thể cùng làm mẹ nó chứ gì?

Còn cô con dâu? Cô hãy nghĩ lại rằng: chàng trai mình hết lòng yêu quý, thề suốt đời chung sống chia ngọt sẻ bùi sở dĩ trở thành Hoàng tử bạch mã của mình chính là do mẹ anh ta mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi nấng, dạy dỗ, nay tặng cho mình… như nhà thơ Xuân Quỳnh nghĩ: “Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Và cô cũng phải biết cách ứng xử khôn ngoan để tránh cho mẹ chồng những suy nghĩ, đau khổ, so sánh không cần thiết như: quan tâm chăm sóc mẹ chồng, không âu yếm chồng trước mặt mẹ chồng như người chiến thắng, luôn nhắc nhở đến công lao mẹ chồng, không chê chồng trước mặt mẹ chồng, nhắc chồng con quan tâm đến mẹ, đến bà nội…

Mẹ chồng, nàng dâu hãy cứ tập cách nghĩ và cách ứng xử như thế. Đó chính là bài thuốc tiên để hóa giải mối quan hệ chưa tốt từ xưa để lại giữa mẹ chồng và nàng dâu đấy. “Gieo hạt gì, gặt thứ nấy”

Hạt yêu thương lẫn nhau giữa mẹ chồng – nàng dâu chắc chắn sẽ cho hoa thơm quả ngọt mang lại hạnh phúc cho gia đình các bạn đời này và mãi mãi đời sau đến khi bạn, con, cháu bạn lại làm mẹ chồng, lại làm nàng dâu nối tiếp truyền thống thương yêu nhau. Và hãy đọc thuộc và yêu bài thơ của nữ văn sỹ Xuân Quỳnh, xin viết lại:

Mẹ của anh 

Xuân Quỳnh

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen

Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao

Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa

Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà

Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Gửi từ Blogger Ngọc Hân 

Quà tặng của mẹ chồng

Mỗi lần đưa hai cháu về thăm ông bà ngoại, mẹ lại bảo “Mẹ Thục con là người mẹ chồng tuyệt vời nhất mà mẹ được biết. Các con liệu mà sống sao cho khỏi phụ lòng tốt của ông bà bên ấy…”.

Vâng, dẫu mẹ không nhắc nhở thì con vẫn luôn tự nhủ “Đừng bao giờ để mẹ Thục phải buồn phiền”.

Vừa tốt nghiệp đại học, con đã được mẹ Thục “sang nhà” xin cưới. Những tuần đầu về “nhà mới”, con đã được mẹ phụ đạo cho môn “tề gia nội trợ”: Mua gì, ở đâu, chọn như thế nào, chế biến ra sao… Nhập gia tùy tục, cái gì cũng mới, cũng lạ. Nhiều bữa, có lẽ do mất bình tĩnh nên không mặn thì nhạt, không khô thì nát, vậy mà mẹ Thục vẫn nhẹ nhàng “trấn an” con “Ngày xưa, mẹ cũng thế thôi mà!”.

Có lẽ vì mẹ Thục vất vả trong chuyện sinh nở nên ngay lúc biết con có bầu, mẹ dặn con phải hết sức giữ gìn, chịu khó bồi dưỡng. Mẹ còn mượn cho con cuốn “Lịch trình của người sắp làm mẹ” và đưa con đi khám thai định kỳ ở bệnh viện. Ngày con sinh cháu Hến, sự quan tâm của mẹ càng làm con cảm động. Biết mẹ đẻ con sức khỏe yếu nên ban đêm, mẹ Thục ở trong viện cùng con, ngày mẹ lại về nấu súp, cháo hạt sen, móng giò, ý dĩ cho con. Vì con đau đẻ lâu, mất nhiều máu, lại mổ đẻ nên những ngày đầu, con yếu lắm, mọi sinh hoạt phải có sự hỗ trợ của mẹ Thục. Cảnh mẹ vệ sinh cho con, thậm chí… đổ bô cho con khiến bố mẹ đẻ con và con vô cùng cảm động. Còn mọi người trong viện cứ ngỡ mẹ Thục là mẹ đẻ của con. Cả hai lần con sinh nở, đều có sự chăm sóc ân cần của mẹ. Từ lúc mẹ đưa con đi, đến khi mẹ đón con về.

Dân gian có câu “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, nhưng với con thì không. Hai bên nội ngoại, ai cũng yêu quý các cháu, chăm sóc các cháu hết mình. Song có lẽ, mọi bữa ăn, giấc ngủ, việc tắm rửa, vui chơi của các con tôi đều hằn dấu tay mẹ Thục. Chuẩn bị một bữa ăn cho cháu nội có lẽ là mất thời gian và công sức nhất. Nhưng mẹ vẫn hì hụi làm và thay đổi mỗi hôm một món. Cháu Hến bị rôm sảy, mẹ đã thử nghiệm không ít loại lá, quả tắm: chanh, chè tươi, mướp đắng, kinh giới, sài đất….

Biết tin một cơ quan Nhà nước đang tuyển dụng người – nơi mà con ao ước được làm việc từ ngày con còn học đại học, mẹ Thục đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ con: Trông cháu để con đi học thêm ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn. Việc nhà mẹ cũng “giành” để con có thêm thời gian ôn luyện và nghỉ ngơi. Vậy mà trớ trêu thay, con lại không đỗ. Con buồn, khóc lóc, ủ rũ suốt ngày. Những lúc đó, mẹ Thục là người động viên, an ủi con nhiều nhất.

Con vẫn nhớ dạo nhà mình nuôi một bé giúp việc tên là Na. Cả nhà ai cũng quý con bé vì ngoan ngoãn, hay lam hay làm. Vậy mà Na ở với gia đình mình được hơn một năm thì con phát hiện thỉnh thoảng lại bị mất tiền. Con không bao giờ dám nghi ngờ cho bé Na mà chỉ nghĩ mình đánh rơi hoặc tiêu rồi nhưng không nhớ. Nhưng một lần con bắt quả tang con bé đang mở tủ, lục ví của con, con đã báo ngay cho mẹ Thục. Và ngay sáng hôm sau, mẹ Thục đuổi con bé về quê. Những ngày sau đó, mẹ chỉ thở dài vì niềm tin bị sụp đổ. Tuần sau, phần vì nhớ bé Na, phần vì muốn biết lý do “ăn cắp tiền” của con bé, mẹ viết thư cho Na. Trời ơi! Chỉ vì mẹ nó ốm quá, nhà lại nghèo, tiền ăn chẳng đủ, nói gì đến tiền thuốc thang. Mẹ Thục vội gọi con bé lên làm và gửi chút tiền về cho mẹ của Na. Sau lần đó, mẹ Thục thường dặn con và nhà con là nên “phòng hơn là chữa” – tiền bạc, tư trang nên cất cẩn thận, nhiều khi bản chất con người là tốt, nhưng cái nghèo, cái hèn, cộng thêm chút mềm lòng là dễ bị tiền bạc làm lóa mắt.

Mẹ ơi! Tấm lòng của mẹ, lời dạy của mẹ, sự chăm chút của mẹ, sự rộng lượng, nhân hậu của mẹ là quà tặng vô giá mà mẹ đã dành cho con. Con cảm ơn Ông Trời đã cho con được gặp mẹ, được làm con dâu của mẹ!

Gửi từ Blogger August – Pink

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn