(Blog Radio) – Email của bạn đọc Hà Linh Ngọc – Ho ten: Hà Linh Ngọc – ha.linhngoc- Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Gửi tới Blog Radio, là một món quà tôi dành tặng bố mẹ và các chị nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 với tất cả tấm lòng của người con ở xa. Bây giờ, khi đủ khôn lớn, con đã hiểu vì sao bố mẹ lại làm nghề giáo, đã hướng cho các con theo nghề giáo, “nghề bình thường nhưng thầm lặng những chiến công”- như lời bố thường nói với đầy vẻ tự hào…
Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!
Gia đình tôi đã từng sống trong cảnh khó khăn và vô cùng thiếu thốn như bao gia đình cán bộ đông con thời bao cấp:
Hôm nay gạo hết con đang ốm
Đã quá trưa rồi, bếp lạnh tanh
Lợn réo gà kêu thùng sạch cám
Dầu muối chửa mua túi chờ lương…
Nhưng em vẫn say và rất say
Say những nụ cười em nhỏ thơ ngây
Say những giờ đứng trên bục giảng
Say khu trường mới những hàng cây…
(Đây là những vần thơ mà cha đã viết tặng mẹ với tất cả tình thương yêu).
Chị em tôi lớn lên trong ngôi nhà tranh vách nứa bên dòng sông Miện trong xanh êm đềm. Khó khăn chồng chất khó khăn. Sau giờ lên lớp, cha mẹ xoay sở mọi hướng, làm đủ việc để nuôi chúng tôi ăn học.
Mẹ tôi – Cô giáo bán kẹo, làm bánh
Hơn hai mươi năm đã qua nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi với dáng gầy mảnh mai, tất tả trong chiếc áo hoa vải phin sờn bạc cùng chiếc quần láng đen và đôi dép nhựa chi chít những mối hàn.
Ngày ngày, sau giờ lên lớp, mẹ cuống cuồng trở về nhà trên chiếc xe đạp cà tàng nặng trĩu những vòng quay. Thời gian của mẹ cũng quay nặng trĩu với cơm, áo, gạo, tiền, với một ông chồng nhà giáo có tâm hồn thi sỹ và bốn cái tầu há mồm là chị em tôi.
Cuộc sống thật vất vả, thiếu thốn vô cùng nhưng chưa bao giờ tôi thấy mẹ ca thán hay oán trách điều gì. Mẹ làm đủ việc để kiếm sống, từ phát huy nghề làm bánh kẹo của ông bà để lại đến việc mua gạo, rau, hoa quả từ quê lên thị xã bán vào mỗi chủ nhật.
Một ngày của mẹ bắt đầu từ 4 giờ sáng. Mẹ đạp xe khắp các đường ngang ngõ tắt giao bánh cho những người bán lẻ để kịp giờ về đến trường. Vì bán buôn nên tiền lời của mẹ chẳng được bao nhiêu, chỉ đủ lo cho bốn chị em tôi ăn học.
Trưa nào cũng vậy, sau nồi kẹo kéo, kẹo bột hay kẹo dồi của bố, mấy mẹ con ngồi sải giữa nhà cắt kẹo và đóng gói. Tiếp đến là việc xay bột làm bánh. Mẹ làm đủ các loại bánh từ bánh chưng, bánh gai, bánh nếp, bánh tẻ…để giao buôn cho những hàng quà sáng trong thị xã.
Mỗi ngày mẹ gói chừng 50kg gạo các loại. Chỉ riêng bánh chưng là không phải xay bột, còn hơn 30kg gạo mẹ còng lưng xay bằng chiếc cối đá quay tay nặng trịch và chậm dề dề. Mẹ gầy 35 kg, chiếc cối đá thì to và bột nước xay rất nặng. Chị cả, chị hai tôi chỉ có thể thay nhau giúp mẹ bón gạo vào cối. Mẹ không cho các chị làm, mẹ sợ đang tuổi lớn cúi người xay bột nhiều sẽ bị còng lưng. Phải mất vài tiếng đồng hồ những chậu bột đầy ắp mới xay xong.
Mẹ chỉ kịp quệt vội mồ hôi trên trán rồi lại quay trong đống lá dong, lá chuối, gói, gói, buộc, buộc liên hồi. 8h, khi các loại bánh được cho vào nồi nấu mẹ mới có chút thời gian để thở và ăn vội bữa cơm tối cùng cả nhà. Khi buông bát cũng là lúc mẹ khua chị em tôi học bài, mẹ vừa kiểm tra chúng tôi học vừa đun bếp trông những nồi bánh. 11h, vớt bánh, cả gian bếp nhà tôi thơm lừng nghi ngút khói.
Và con nhóc tí tẹo răng sún là tôi luôn được để dành một chiếc bánh to nhất, ngon nhất có thật nhiều nhân để sáng hôm sau ăn trước khi đi học. Dường như mẹ không còn chút thời gian nào để nghỉ ngơi.
Những trang giáo án chuẩn bị cho ngày mai lên bục giảng luôn được mẹ viết vào nửa đêm khi chúng tôi đã ngon giấc.
Bố tôi – thầy hiệu trưởng ôm đàn, làm thơ
Bố tôi – thầy hiệu trưởng được đào tạo chuyên ngành toán nhưng có tâm hồn lãng mạn và khiếu văn chương. Suốt ngày bố ôm đàn hát và làm thơ. Thơ ông viết rất nhiều nhưng chỉ để thỉnh thoảng gặp bạn văn đọc cho nhau nghe rồi ngậm ngùi xếp vào ngăn kéo vì thời ấy làm sao dám mơ có ngày in được tập thơ.
Cũng nhờ tính cách vui vẻ vô tư của bố mà căn nhà nhỏ của chúng tôi luôn đầy ắp tiếng cười và dường như làm tan đi nỗi mệt nhọc vất vả của mẹ. Tôi còn nhớ những câu thơ bố tặng mẹ:
Qua kẽ lá em ngắm nhìn sao
Vui bên con trong những trận mưa rào
Trăng đầu tháng ló nhìn qua cửa sổ
Gió đêm đông xô liếp ùa vào
Chưa quen dùng Tivi tủ lạnh
Chưa quen ăn cơm tám, phở xào
Hai mươi năm chở đò đón khách
Vẫn trắng trong và vẫn thanh cao.
Nhà tôi mái lá, vách tranh. Những ngày đẹp trời, mẹ thường chỉ cho tôi ngắm trăng sao qua kẽ lá, còn ngày mưa đến, nhà tôi đầy những xô, chậu, nồi, niêu…tất tần tật những gì có thể đều được đem ra hứng nước mưa dột. Và cái lạnh cắt da thịt của miền núi trong những đêm đông gió lùa vách liếp khiến tôi sau bao năm vẫn không thể nào quên.
Phải nhiều năm sau, khi đã qua thời bao cấp, bố mẹ tôi mới mua được chiếc ti vi đen trắng nhờ số tiền dành dụm từ những nồi bánh của mẹ. Đó cũng là lúc chị em tôi khôn lớn.
Niềm vui lớn nhất của bố mẹ là cả bốn chị em tôi (toàn con gái) đều học đại học và có công ăn việc làm ổn định, Trong đó có hai chị cũng theo nghiệp bố mẹ.
Những chiếc kẹo kéo thơm lừng mùi dầu chuối, kẹo bột có độ dẻo của nha hay kẹo dồi vỏ giòn tan với nhân lạc bùi bùi đã đi vào nỗi nhớ tuổi thơ tôi cùng những nồi bánh nghi ngút khói, những vòng quay ì ạch của chiếc cối đá già nua xay những chậu bột trắng toát.
Mẹ nói rằng, nếu không có nghề bánh kẹo gia truyền chắc khó có ngày hôm nay. Còn tôi, tôi thầm cảm ơn mẹ vì sự tần tảo sớm hôm, cảm ơn cha vì niềm tin yêu cuộc sống.
Cảm ơn cha mẹ đã cho chúng con một gia đình hạnh phúc. Trọn vẹn!
Blog Radio chuyển thể từ bài viết của Hà Linh Ngọc
Cảm nhận về bài viết mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi bài viết, đường link blog muốn chia sẻ về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn (vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu để phản hồi của bạn sớm được đăng)