Blog Radio 35: Chạy trốn nỗi đau

Chạy trốn nỗi đau

Chạy trốn nỗi đau

Các bạn thân mến! Trong cuộc sống dẫu không muốn nhưng chẳng ai có thể tránh được những nỗi đau. Nỗi đau tình yêu, nỗi đau trong những mối quan hệ xã hội, nỗi đau vì cô độc… Nhưng liệu bạn có thể chạy trốn được nỗi đau đó? Và kết quả của sự chạy trốn ấy là gì?

Hôm nay Blog Radio sẽ kể với các bạn 2 câu chuyện từ Blog Người kể chuyện, mời các bạn lắng nghe!

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

  • Mây buồn

(Blog Radio) – Chuyện ở khu vườn nhỏ, một cái cây đem lòng yêu mến một đám mây mà chẳng dám nói ra, bởi trong mắt cây đám mây kia sao mà lạnh lùng, xa xôi quá… Ngày ngày cây chỉ biết lặng lẽ chờ mây xuất hiện nơi chân trời, cây vui mừng vẫy lá khi mây ngang qua rồi lại buồn rầu trông bóng mây mờ dần mỗi khi ngày dần tắt. Thời gian dần trôi, bấy giờ trời đã sang thu, mặc cho cây ngóng trông, khu vườn nhỏ càng ngày càng vắng bóng mây bay qua. Cây cứ đợi chờ, cứ mỏi mòn dõi về phía chân trời mà chẳng nhận ra mình ngày càng khô héo. Cây ước rằng, dù chỉ 1 lần nữa thôi được gặp lại mây, cây sẽ nhờ gió nói với mây cây yêu mây biết nhường nào…

Thời gian lại trôi… một chiều cuối thu, trước khi những ánh nắng cuối cùng kịp tắt cây chợt nhận ra mây ở phía cuối trời. Những cái lá héo khô chẳng thể reo vui nhưng cây mừng biết bao khi biết mây gần lắm. Đêm đó trời mưa to, cây thao thức chẳng thể nào ngủ được, hình như ý nghĩ sẽ được gặp mây khiến cây như thêm sức sống, cây mong sao sớm đến ngày mai …

Mặt trời đã lên cao mà cây vẫn không thấy mây đâu, bao đợi chờ, hi vọng, bao vui mừng bỗng chốc trở thành tuyệt vọng, đau khổ, cây trách mây sao quá độc ác vô tình. Ngày lại dần qua, hi vọng mong manh sẽ đc gặp lại mây dần tan biến, nỗi đau của cây cũng vơi dần.

Bên cạnh cây giờ đây còn có đất. Đất yêu cây, đất ôm cây vào lòng, cùng cây trải qua cả mùa đông giá rét. Đất cho cây cảm giác được yêu thương, được che chở, sẻ chia… rồi cái gì phải đến đã đến – Một cuối đông cây nhận lời yêu đất, cả hai nguyện sẽ trọn đời sống bên nhau… dường như hạnh phúc đã tìm đến với cây dẫu muộn màng…

Mùa xuân đến, khu vườn nhỏ xôn xao với những câu chuyện gió mang về…

Chuyện rằng có một đám mây đem lòng yêu mến một cái cây , mây tự ti mình tật nguyền chẳng có nổi một hình hài cố định , cũng chẳng thể nào gần cây chăm sóc được cho cây nên đã tự bắt mình không được nói yêu cây . Mây cứ lặng lẽ yêu cây theo cách riêng của mình: mây vươn mình che nắng cho cây, gom nhặt những hạt mưa để tưới mát cho cây… nhưng những ngày êm đẹp của mây dần đi qua khi trời vào thu. Trời khô hanh khiến mây phải đi xa hơn để tìm mưa, con đường cứ xa dần mà cây ngày càng khô héo khiến mây thêm đau khổ… Và một ngày cuối thu, khi mây biết chẳng thể tìm được mưa nữa mây đã hoá mình vào một cơn mưa…

Ngày nay nếu một lần bước qua khu vườn nhỏ bạn sẽ thấy một cái cây khô ở phía góc vườn. Có một điều lạ là xung quanh chẳng hề có một dây leo nào bám lên thây cây đó. Đồn rằng khi nghe gió kể chuyện, cây đã tự héo khô để được mang theo hơi nước lên trời – cây muốn giữ một phần của mây cho tới khi chết…

Đất cũng đau khổ giấu mình dưới cỏ tháng ngày ôm xác cây, không cho bất cứ một cây leo nào đến sống.

Và còn một điều này nữa, bây gìơ bạn đã biết vì sao mây lại có hình dạng như những tán cây chưa !?

Gửi từ  Blog Người kể chuyện

  • Sông

(Blog Radio) – Ngày xưa ở 1 khu rừng nọ có 1 ngọn núi và 1 con sông nhỏ yêu nhau, cuộc sống của chúng cứ êm đềm trôi qua cho tới 1 ngày kia… mây đen không biết từ đâu bay đến … rồi cả khu rừng ngập trong những cơn mưa tưởng chừng như không dứt. Núi vững chắc là vậy mà giờ đây run rẩy cố gắng giữ lấy từng hòn đá, viên sỏi khỏi những hạt mưa độc ác vồ lấy trực vứt xuống lòng sông.

Mưa vẫn cứ rơi… con sông nhỏ thấy lòng ngày càng nặng nề, mệt mỏi, dẫu cố gắng thế nào nó cũng không thể ngăn được dòng nước ngày càng ngầu đục, những con sóng hung dữ thôi không xô vào sườn núi yêu thương… Núi ngày một hao mòn, lòng sông ngày càng trĩu nặng… một ngày… mang theo nỗi đau phải rời xa ngọn núi – sông lặng lẽ ra đi …

Rời khỏi khu rừng, sông hướng về phía Đông – nơi sáng sáng mặt trời xuất hiện. Nó cắm đầu chẩy miết mong sao thoát được nỗi đau, nỗi nhớ trong lòng. Nó chảy mãi … chảy mãi …

Thời gian trôi qua, một ngày mỏi mệt, nó dừng lại và bất chợt nhìn lại phía sau. Nó kinh hãi nhận ra những nơi nó đi qua, cảnh vật thật hoang tàn,những cành cây ngọn cỏ yếu ớt van xin , những con người đau khổ vì mất nhà cửa , mất người thân nguyền rủa nó đã tạo ra lũ lụt…Để chạy trốn nỗi đau, nó đã vô tình gây ra biết bao nhiêu nỗi đau khác.

Nó lại lao đi, tránh xa, những cánh đồng, những nhà cửa ruộng vườn… nó khiếp sợ khi thoáng thấy bóng con người… con đường của nó ngày càng tối và hoang vắng…

Sông cứ chảy mãi như thế cho đến 1 ngày, nó buộc phải dừng lại bởi 1 con lạch nhỏ chắn ngang đường. Con lạch hỏi nó:

– Sông đi đâu mà vội vã thế?

-Tôi đang chạy trốn nỗi đau và sự hối hận

– Tại sao lại phải chạy trốn trong khi anh có thể vứt bỏ nó ?

– Làm gì có nơi nào đủ lớn để có thể chứa nổi nỗi đau trong lòng tôi được

Nói đoạn sông kể cho con lạch nghe câu chuyện của mình…

– Tôi biết có một chỗ đấy , nếu tin anh hãy đi theo tôi

Sông vốn không tin lời con lạch nhưng cũng ko thể cuốn phăng nó để tiếp tục đi nên đành nghe lời, nó hoà mình vào con lạch nhỏ, bất chợt… MẶN CHÁT! Sông lùi lại…

– Cái gì thế?

– Biển đấy, đây là nơi chứa mọi nỗi đau trên đời, anh cứ trút hết những nỗi đau của mình vào đó đi, nó chẳng thấm gì đâu vì biển rộng lắm….

CON SÔNG XƯA GIỜ ĐÃ RẤT ÊM ĐỀM, dẫu trong lòng vẫn chưa yên nỗi nhớ, mỗi khi thuỷ triều lên tôi lại nghe sông thì thầm hỏi nhỏ…

Gửi từ  Blog Người kể chuyện

Về tác giả Blog Người kể chuyện: “Dẫu luôn thua cuộc cũng ko bao giờ làm kẻ bỏ cuộc!”

Như hai câu chuyện chúng ta vừa nghe, nhiều khi để chạy trốn nỗi đau, ta đã vô tình gây ra biết bao nhiêu nỗi đau khác… Và có một câu nói rất nhiều bạn đọc trích lại để tâm sự với Blog Radio đó là đó là “Cách duy nhất để vượt lên nỗi đau không phải là chạy trốn mà là đối mặt với nỗi đau đó!”.

  • Blog Radio thực hiện theo Blog Người kể chuyện
Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn