Blog Radio 25: Trong tim tôi có một vị tướng

Trong tim tôi có một vị tướng

Blog Radio dành chương trình số 25 với chủ đề Tình yêu và khoảng cách thế hệ qua truyện ngắn Trong tim tôi có một vị tướng.

Không dừng lại ở một truyện ngắn, đây còn là một câu chuyện tình yêu nối dài từ quá khứ đến hiện tại, phá vỡ khoảng cách thế hệ…

Người ta có thể yêu một người lớn tuổi hơn mình thật nhiều, có thể yêu một vị tướng đầy chiến tích vinh quang thời chiến tranh. Kẻ Nam người Bắc, một già một trẻ, như hai người tri âm vong niên gắn kết với nhau bằng những lá thư xuyên Việt đầy tình cảm, nhưng không có một lời nào đề cập đến tình yêu. Nhưng hạnh phúc không cứ phải được sống chung với nhau cả đời. Hạnh phúc vẫn đến, vẫn cứ tuyệt đẹp và xúc động, đó là hạnh phúc được nghĩ được nhớ về nhau. Sẽ có một ngày chân tình được đền đáp…

Blog Radio thực hiện theo truyện ngắn của Hoài Hương – hoaivan612

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

30.04.1975 – Hà Nội.

Tôi chỉ là một cô bé, bé như viên kẹo, sống ở phố lính – nơi tôi ở được người lớn gọi như thế…  Vào buổi trưa đó, tôi thật ngạc nhiên vì thấy mọi người ôm nhau vừa nhảy vừa cười vừa khóc vừa hét to đến khản cổ: “Giải phóng rồi” – “Giải phóng Miền Nam rồi” – “Hoà bình rồi“…  Mọi người cứ thế tuôn ra ngoài đường, nhà cửa mở toang hoang không thèm khoá, chẳng biết quen lạ gặp ai cũng ôm mà nói “Giải phóng rồi, hoà bình rồi“.  Không lâu sau, tôi nghe tiếng loa phóng thanh đọc cái gì đó mà tôi chỉ nghe được bằng đôi tai và trí óc non nớt của cô bé tuổi mẫu giáo hai chữ “giải phóng” “hoà bình”, hệt những lời mọi người đang hét vang ngoài phố.  Và một khúc nhạc rộn rã cứ lặp đi lặp lại “Việt Nam – Hồ Chí Minh“.  Vài ngày sau thì tôi biết và thuộc, hát bằng giọng ngọng nghịu bài hát này “Như có Bác trong ngày vui đại thắng“.  Tôi bé quá, không thể hiểu được tầm cỡ của sự kiện trọng đại này, nhưng nhìn những người lớn khóc cười reo vui, nghe tiếng nhạc âm vang trên loa phóng thanh suốt ngày, rồi pháo hoa, và từng đoàn người cờ hoa rợp trời, tôi biết đây là một ngày vui, ngày vui lớn lắm chưa từng có và không gì sánh được.

Ngày hôm sau, ba tôi đem báo về, chăm chú xem và trong mắt ba tôi thấy những tia lấp lánh vui và hình như có nước mắt.  Tôi chưa biết chữ, chỉ nhớ góc tờ báo có ngôi sao năm cánh, tôi bắt chước ba cầm báo lên xem, trang báo có nhiều ảnh chụp và không hiểu sao, đập vào ấn tượng trẻ thơ của tôi là hình ảnh một người lính giải phóng quân, áo quần bụi bặm, vai khoác khẩu súng mũi hướng về một nhóm người, tay đặt tại cò súng, nét mặt hơi căng thẳng nhưng toát lên sự cương quyết và oai nghiêm, nhóm người kia mặt mày ủ rũ thiểu não có chút gì lo sợ.  Không đủ trí để hiểu sự việc gì đang diễn ra trong tấm ảnh, nhưng hình ảnh người giải phóng quân đã in đậm trong trí óc tôi, như một chàng dũng sĩ trong những câu chuyện cổ tích đi diệt trừ ác quỉ.  Cũng thật lạ, tấm ảnh đó cùng hình ảnh người giải phóng quân đã luôn hiện trong giấc mơ của tôi…  Nhiều năm sau lớn lên, đi học, tôi đã biết ý nghĩa ngày 30.4.1975, tôi cũng được biết rõ nội dung tấm ảnh đã in trong đầu óc tôi ngày đó.  Nó được đăng nhiều lần trên các báo mỗi khi đến ngày 30.4 hàng năm – Đó là hình ảnh cuối cùng của nội các chính quyền Sài Gòn, đang đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng ở Dinh Độc lập trưa 30.4.1975.  Và người giải phóng quân – chàng dũng sĩ thần thoại tuổi thơ tôi là một sĩ quan chỉ huy trẻ của một đơn vị xe tăng đánh chiếm Dinh Độc lập.  Ông đã trở thành một chỉ huy cao cấp của một Quân khu chiến lược phía Bắc.

Ít tháng sau ngày 30.4.1975, ba đưa tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, quê hương của cha mẹ tôi.  Và giấc mơ có hình ảnh người giải phóng quân – chàng dũng sĩ  thần thoại của tôi vẫn thỉnh thoảng hiện về.  Thật lạ.  Tôi nhớ như in gương mặt đó, như được khắc dấu…

30.4.1995 –  Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi đã là một nhà báo, gương mặt trẻ của thành phố trong ngày lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn – thống nhất đất nước.  Và như không thể tin được vào mắt, trên lễ đài, trước hàng ghế tôi ngồi ở khu vực báo chí, ngồi ghế danh dự chính là người trong ảnh – người giải phóng quân – chàng dũng sĩ thần thoại trong giấc mơ tôi, tuy có già hơn, nhưng trong bộ lễ phục tướng màu trắng, cành tùng trên ve áo, dây biểu chương vàng vắt ngang ngực, nụ cười thật tươi, đẹp ngời ngợi.  Tôi muốn nghẹn thở vì hồi hộp…  vội liên lạc với lãnh đạo xin phép một cuộc phỏng vấn “người trong mơ” – của tôi – khách danh dự của thành phố.

Không khó khăn mấy, tôi đã có được cuộc hẹn.  Tôi gọi điện thoại đến nơi ông nghỉ để thống nhất giờ làm việc.  Tất cả dũng khí được rèn luyện của con nhà lính, cũng như bản lĩnh nhà báo của tôi như bị mềm đi, tôi lúng túng lắp bắp không thể nói trọn vẹn một câu qua điện thoại.

– Dạ…  thưa…  Chú…  Ông…

– Vâng!  Tôi đây…  Nào bình tĩnh…  Phải cô nhà báo không?

– Dạ…  cháu…

– Ta hẹn giờ nào có thể làm việc…

Đúng hẹn, tôi đến, đã thấy ông ngồi đó.  20 năm, kể từ ngày tôi nhìn thấy ông trong tấm ảnh trên báo Quân đội Nhân dân – sau này tôi biết tên tờ báo, từ giấc mơ thành hiện thực.  Không hiểu sao tim tôi cứ đập loạn hết cả lên, nhìn tôi lúc đó chắc rất buồn cười, nhưng thật kỳ diệu, nụ cười ấm áp thân tình của ông làm tôi trấn tĩnh, cảm giác thân thuộc, quen biết như những giấc mơ có hình ảnh ông suốt 20 năm qua trong tôi.  Tôi lại thêm một lần lúng túng không biết phải xưng hô thế nào với ông. “Chú”, e già quá vì nhìn ông còn rất trẻ so với tuổi, kêu “anh” thì có vẻ mạo phạm và không thích hợp vì ông có lẽ phải gấp đôi tuổi tôi.  Một chút lóe lên trong tôi, tôi nhớ đến câu chuyện “Con gái viên đại úy” của văn hào Puskin, có một kiểu xưng hô rất hay…  Tôi quyết định gọi “ông” xưng “em”.  Ông lắc đầu cười nhìn tôi, nhưng không tỏ ý gì phản đối.

Cuộc phỏng vấn tiến hành thuận lợi, hoàn tất.  Tôi không thể ngờ một người lính chiến – một vị tướng chuyên về chiến thuật đánh trận ở chiến trường như ông lại có cách nói chuyện lôi cuốn và thật sự hấp dẫn, diễn đạt rất hay, ngôn ngữ chuẩn xác giàu hình tượng.  Tôi chợt nghĩ, nếu như không phải đất nước có chiến tranh, thì có lẽ ông sẽ là một nhà văn.  Rồi không thể kìm giữ, tôi buột nói ra ý nghĩ đó, ông cười to… “Cô bé ơi, thế thì cả thế hệ chúng tôi thành nhà văn hết“.

Đêm đó về nhà, trong tôi cứ lâng lâng chếnh choáng giống người uống rượu không quen, một cảm xúc khó tả, tôi nằm ôn lại từng chi tiết, nhớ lại từng câu nói nụ cười của ông, hình ảnh trong giấc tuổi thơ tôi đã thật sự có hình hài.  Và bây giờ không phải là chàng dũng sĩ thần thoại, mà là một vị tướng vừa kiêu hùng vừa phong nhã đầy hấp lực trong những giấc mơ con gái của tôi…

Một năm sau, cũng đúng ngày 30.4, nhà báo Ngọc, một trong những nhà báo đầu tiên có mặt trong Dinh Độc lập trưa 30.4.1975, điện thoại cho tôi, nói có một người quen muốn gặp…  Không nghĩ ra là ai, tôi lơ đễnh cầm máy chờ đầu dây bên kia.

– Alô…  Chào cô bé nhà báo…  Tôi bỗng run lên lắp bắp:

– Ôi…  Ông…  em…

– Cô bé vẫn thế…  nào bình tĩnh…

Tôi không nhớ mình đã nói những gì với ông, một bất ngờ, một niềm vui…  Từ sau cuộc phỏng vấn 30.4 năm trước, đã nghĩ không biết bao giờ mới gặp lại ông…  Ông vẫn còn nhớ đến tôi, gọi điện thoại cho tôi.  Tim tôi lỗi nhịp.  Đêm đó, tôi thao thức, nhớ lại từng câu nói của ông, nhưng khác hơn một năm trước tôi đã có số điện thoại của ông với một lời mời: “Khi nào có dịp ra Hà Nội công tác, báo cho biết đón lên chơi nơi đóng quân“.  Còn ông, ông cũng có được địa chỉ và số điện thoại của tôi.  Có một chút xao động trong tôi.  Những giấc mơ về ông nhiều hơn.

Không lâu sau, tôi nhận được một lá thư  dán con tem quân đội, địa chỉ người gửi là Hộp thư số 1A…,  linh cảm đó là thư ông làm tôi hồi hộp, nhưng tôi không vội mở, muốn để dành đến đêm, khi tất cả mọi việc trong ngày hoàn tất, tôi muốn có cảm giác trọn vẹn của lần đầu đọc thư ông…

Một lá thư ngắn, độ mươi dòng, với nét chữ chân phương rõ ràng.  Ông hỏi thăm công việc của tôi, nói có nghe vài chương trình tôi làm về quân đội trên sóng phát thanh và khen, ông còn tỏ ý lo ngại sức khoẻ của tôi vì trông mảnh mai quá làm nhà báo đi nhiều sẽ vất vả…  Một lá thư thăm hỏi rất bình thường nhưng với tôi từng câu từng chữ làm cho tôi xúc động, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, như cố tìm thêm những gì đằng sau mấy dòng chữ ngắn ngủn kia…  Và ngay trong đêm tôi viết gửi ông một lá thư dài, dài chưa từng có của tôi cho đến lúc ấy.  Tôi kể ông nghe chuyện về giấc mơ “dũng sĩ thần thoại” 20 năm trước, tôi kể ông nghe cảm xúc của tôi khi gặp ông lần đầu – đối diện người trong ảnh và trong mơ…

Thế rồi, từ đó tháng nào tôi cũng nhận được thư ông, những lá thư có độ dài tăng dần theo thời gian, những lá thư dán con tem quân đội.  Qua các lá thư, tôi đã có ít nhiều hiểu biết về ông, ông không còn là một hình ảnh mơ hồ trong những giấc mơ của tôi ngày xưa, mà ông đang hiện diện bên tôi.  Ông kể trong thư về làng quê nơi ông sinh ra, một làng quê êm đềm rất đặc trưng của đồng bằng châu thổ sông Hồng, có con sông quê tắm đẫm tâm hồn trẻ thơ quê ông, có những ngôi chùa tĩnh lặng trầm tư thâm nghiêm dưới bóng rợp của các cây si, cây bồ đề cổ thụ, có đình làng thờ thần hoàng linh thiêng và những hội làng đầy náo nhiệt màu sắc y hệt trong cổ tích.  Ông cũng kể tôi biết về thời niên thiếu đầy gian nan vất vả, chính những tháng ngày khổ cực khó khăn đó đã rèn cho ông nghị lực và sức chịu đựng để sau này nhập ngũ, vào chiến trường, đối diện với cái chết – sự sống trong gang tấc giữa các cuộc chiến đấu khốc liệt ngoài mặt trận, ông đã vượt qua được…

Tôi say sưa đọc thư ông, nhớ từng câu chuyện ông kể qua thư, những câu chuyện chiến đấu như huyền thoại, sống động và hấp dẫn, những câu chuyện còn hay hơn thần thoại về việc di chuyển đội hình xe tăng đảm bảo bí mật bất ngờ suốt dọc đường Trường Sơn, cả xe lẫn người hoà vào rừng cây, hoà vào màu đất đỏ…  Tôi dù đã đọc và xem phim về những chiến dịch xe tăng ta đánh giặc, nhưng khi đọc thư ông kể về cuộc chiến đấu của xe tăng quân chủ lực ở chiến dịch Khe Sanh 1969, lần đầu tiên khi những chiếc tăng mang trên mình ngôi sao năm cánh màu lửa xuất hiện đã làm bọn Mỹ bị bất ngờ choáng váng, các chiến thuật của chúng đều bị vô hiệu hoá tê liệt dưới sự tấn công dũng mãnh của xe tăng ta, đưa đến sự thất bại về chiến lược của Mỹ ở Tây Nguyên và chiến trường Miền Nam.  Tôi thấy như hiện ngay trước mắt mình cuộc chiến đấu của xe tăng ta đang lao mình trong khói lửa, truy kích giặc Mỹ, nghiền nát các căn cứ địch…  Và nổi bật lên là ông người chiến sĩ  người chỉ huy xe tăng…  Ông là người thật việc thật, nên thư ông kể lại sinh động hiện thực hơn tất cả.  Ông không chỉ kể về chiến thắng, ông còn viết cho tôi về sự mất mát hy sinh, lời thư của ông hình như cũng nghẹn ngào khi nói về những đồng đội đã hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn trưa 30.4.1975, người lính đã hy sinh trước cửa Dinh Độc lập chỉ vài phút trước khi lá cờ quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh…

Ngược lại với thư ông, thư tôi viết gửi ông toàn những vụn vặt đời thường đôi khi có vẻ trẻ con, tôi viết lan man lung tung, và hình dung khi ông đọc thư tôi chắc ông sẽ rất buồn cười.  Cũng có khi tôi viết về những suy nghĩ của mình trước hiện thực cuộc sống, tôi không lý giải được nhiều điều.  Và ông, qua những câu chuyện mà chính ông trải nghiệm và kiến thức cuộc đời nhân tình thế thái, thực tế và sách vở xưa nay, ông đã cho tôi lời giải đáp.  Tôi nhờ ông mà có cái nhìn đúng đắn về con người, xã hội, không bị giao động trước sự thay đổi của các trào lưu nhập ngoại đối với giới trẻ, đặc biệt ông giúp cho tôi trong công việc nhà báo những ý kiến rất giá trị về cách tiếp cận vấn đề, đối tượng để phản ánh chính xác, đạt hiệu quả…

Mà cũng lạ, giữa hai chúng tôi, trong những bức thư không hề có một lời nào bày tỏ tình cảm kiểu như “nhớ”, “mến”…  nhưng hình như chúng tôi hiểu nhau rất nhiều. Thư ông không chỉ đơn thuần là chuyện lính, mà còn rất nhiều điều về quan niệm sống của ông, ông hay viết câu: “quá khứ để hồi tưởng, hiện tại để nếm trải, tương lai để ước mơ”.  Và tôi nghĩ về ông không chỉ là một vị tướng oai dũng chỉ biết đánh trận mà là một người đàn ông từng trải rất phong phú về tâm hồn, trái tim ông là trái tim rất nhạy cảm đầy nhân ái bao dung, chiến tranh không hề làm ông chai lì cảm xúc. Chúng tôi viết cho nhau như hai người bạn – nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy trong tôi càng ngày càng khác lạ khi viết cho ông.  Tim tôi thật sự không nằm yên nữa khi nghĩ về ông.  Tôi muốn bóng gió tình cảm của mình, song có gì đó làm tôi ngập ngừng.  Có lẽ ông luôn chừng mực và có một khoảng cách với tôi dù rất mơ hồ.  Tôi bắt đầu đem ông ra so sánh với những người con trai xung quanh tôi.  Cho tới giờ này, tôi vẫn chưa có một tình yêu với bất kỳ ai, tim tôi im lặng trước mọi lời tỏ tình.  Và mỗi lần nghĩ, nhớ tới ông thì đập nhanh đến khó hiểu.  Tôi cảm giác hình như thầm yêu ông…

Thế rồi tôi cũng có dịp ra Hà Nội công tác.  Trước khi đi tôi điện thoại báo ông biết.  Cảm nhận trong giọng nói ông qua điện thoại có gì đó rất vui dù chỉ là những lời rất giản đơn, song tôi nghĩ linh cảm con gái không đánh lừa tôi.  Công việc hoàn tất nhanh hơn dự định.  Tôi đến nơi ông cùng một người bạn đồng nghiệp – biết đường đi.  Nơi ông ở và đảm trách nhiệm vụ chỉ huy cao nhất là một vùng đất trung du đẹp hơn cổ tích.  Vào lúc tôi đi, là mùa thu, phong cảnh hai bên đường đẹp như tranh vẽ, những cánh đồng lúa xanh mượt đang thì ngậm đòng thơm hương, xa xa là dải núi xám mờ, dòng sông uốn lượn như dải lụa bạch ôm lấy chân núi, nắng vàng như mật ong phủ trên mấy quả đồi ngắt xanh chè, cọ, bầu trời xanh cao trong vắt.  Ông đón chúng tôi ngay ngoài phòng trực ban Quân khu bộ.  Vừa nhìn thấy ông, không hiểu sao tôi lại bối rối, chẳng thốt lên nổi câu chào, cứ ngây người nhìn ông.  Kể từ ngày 30.4  gần 2 năm tôi mới được gặp lại ông bằng xương bằng thịt, chứ không phải là những dòng chữ “sứ giả”.  Trong bộ quân phục hàng ngày gọn gàng, nụ cười ấm áp, giọng nói trầm vui vẻ, ông vẫn y hệt ngày gặp nhau ở thành phố của tôi, một vẻ đẹp đầy hấp lực toát ra từ ông không tả được, chỉ cảm nhận mà thôi.

Đêm ấy, sau khi ông cho tôi và người bạn tham dự buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ của lính trẻ mới nhập ngũ, trong tôi còn đầy ắp cảm xúc về những người lính, và rất gần…  ngay sát phòng nghỉ Quân khu bộ là phòng làm việc và phòng nghỉ của ông. Tôi không sao ngủ được, lạ chỗ chỉ là chuyện nhỏ với cánh nhà báo, mà là vì trái tim tôi không muốn ngủ, cứ thao thức không yên, đêm trung du, vào mùa trăng đẹp liêu trai sương khói, nhìn ra ngoài trời mờ mờ ảo ảo lung linh…  tôi vùng dậy khoác thêm áo ra ngoài, định dạo một chút ở khuôn viên dưới trăng sương trung du, để thả hồn cho những mơ mộng.  Bất chợt tôi giật mình, ông ngồi ở ngay chiếc ghế gần phòng tôi từ bao giờ, tôi bỗng hồi hộp đến nghẹn thở, phải cố hít sâu mấy cái để trấn tĩnh.

Tôi có một đêm không thể quên.  Trăng thượng tuần thung du phủ tấm voan mỏng sáng bạc xuống màn đêm, sương rơi khẽ trên lá cây trong sự yên tĩnh lạ lùng, tôi ngồi bên ông thật gần, như nghe được hơi thở của nhau, cả hai không nói với nhau câu nào nhưng hình như lại cảm thấy nói với nhau rất nhiều, không phải một vị tướng chỉ huy Quân khu và một cô bé nhà báo, mà như hai người tri âm tri kỷ.  Thật lâu, không biết lâu đến đâu, ông phá tan không khí tĩnh lặng bằng giọng nói trầm hơi khàn:

– Nói gì đi chứ…  im lặng mãi thế này sao?

– Em muốn được nghe ông nói…  nói gì cũng được.

– Nói gì bây giờ…?  Giọng ông trầm hơn:

– Mỗi người lính đi qua chiến tranh đều mang một vết thương, một nỗi buồn.

Và rồi ông kể cho tôi nghe vết thương của ông – nỗi buồn của ông, trong những lá thư gửi tôi ông chưa hề viết về nó.  Đó là sự mất mát, và cả sự hy sinh của những người lính từ cuộc chiến trở về.  Người vợ của ông, do một thông tin nhầm lẫn tưởng rằng ông đã hy sinh, đã đi lấy chồng sau 3 năm để tang thờ ông chăm sóc mẹ chồng.  Ông càng buồn hơn và càng đau đớn hơn khi biết người vợ của ông không được hạnh phúc vì gặp người chồng sau quá ích kỷ luôn dằn vặt ghen tuông với quá khứ nhất là khi biết ông còn sống trở về.  Ông không biết làm sao, để dành lại người vợ thì không thể, nhưng phải chứng kiến cuộc sống đầy nước mắt của bà, trong lòng ông như bị dao cứa nát đứt từng đoạn, ông luôn cảm thấy có lỗi với người vợ dù thật sự không phải do ông tạo nên.  Là nỗi buồn chiến tranh.  Chỉ có công việc, những bận rộn của chiến dịch huấn luyện, tập trận, những kế hoạch tác chiến phòng thủ…  thuộc việc quân là làm cho ông khuây khoả, cho ông tạm quên.

Tôi lặng người nghe…  Thương ông quá.  Những tưởng một người lính đi qua chiến tranh với nhiều chiến công, ngực đầy huân chương, mang quân hàm tướng, sống trong vinh quang như thế, không thể có những nỗi đau “đời” như vậy.  Trong mắt tôi lúc này, ông không còn là một vị tướng kiêu dũng mà là một người đàn ông có nhiều tâm sự cần được chia sẻ.  Tôi không biết nói gì với ông, nhưng trong tôi trào dâng cảm xúc, tôi nắm tay ông…, phút giây đó hình như cả hai chúng tôi cảm thấy một cơn chấn động…,  chúng tôi thật gần, một sợi dây vô tình nối hai người.

Tôi trở về thành phố phương Nam, với một trái tim không còn bình yên như trước, tôi luôn nghĩ đến ông, nhớ đến ông, trong những giấc mơ của tôi có lúc ông là một chàng trai trẻ, lúc là vị tướng tóc hoa râm lẫn lộn.  Không lẽ tôi yêu ông thật rồi?  Tôi không thể xác định gọi rõ tên tình cảm của tôi đối với ông.  Những lá thư của tôi gửi ông ít đi những chuyện trẻ con, tôi thi thoảng dùng chữ “nhớ” để bóng gió nói tình cảm của tôi với ông.  Thư ông gửi lại vẫn như trước, chân tình nhưng không có một ý nào liên quan đến chữ “nhớ” của tôi, cảm giác ông tránh né hay ông thật sự không để ý.  Ông đối với tôi như một người cha, một người anh, người bạn không hơn.

Thư ông gửi tôi dày lên thành một chồng trong ngăn kéo riêng tôi dành cho ông, tôi nghĩ đến ông cũng nhiều hơn, hình ảnh ông choán hết trong tôi không còn chừa chỗ cho ai khác xen vào.  Mọi người lấy làm lạ lắm, cứ thấy tôi đi về một mình không hẹn hò ai, bạn bè vài người mai mối giới thiệu, nhưng rồi mỗi khi gặp họ tôi lại nghĩ đến ông và thấy họ vô vị tẻ nhạt, cuộc sống của họ quá giản đơn và ít ý nghĩa, vài lần họ chán và tôi cũng chán nên chấm dứt, bạn bè nản luôn mặc kệ tôi.  Dần dần thú vui của tôi sau giờ làm việc, nếu không lang thang nhà sách thì tôi lại đem thư ông ra đọc, đắm mình vào những trang thư và hình dung mình đang được sống cùng thời với ông, vui buồn cùng ông.  Tôi nhớ ông, nỗi nhớ cồn cào nôn nao…  Tôi yêu ông???  Tôi muốn hụt hơi khi nghĩ đến đó.

Người ta có thể yêu một người lớn tuổi hơn mình thật nhiều, có thể yêu một vị tướng đầy chiến tích vinh quang thời chiến tranh.  Và rồi ông…  ông có tình cảm gì với tôi, yêu như tình yêu trai gái, hay thương như một cô em gái, một cô bé con như trong các lá thư ông viết cho tôi, ông có vượt được qua khoảng cách tuổi tác, địa vị xã hội mà sống cho tình yêu nếu có…  Tim tôi loạn nhịp.  Không kìm nén nổi lòng mình, tôi viết một lá thư dài, rất dài, chẳng nhớ bao nhiêu trang gửi ông.  Tôi viết về kỷ niệm ngày thơ, tôi viết về cảm nghĩ khi lần đầu gặp ông, tôi kể ông nghe những giấc mơ có ông và những mộng mị lãng mạn, tôi nhắc lại đêm trung du phương Bắc, tôi và ông thật gần nhau…  Tôi bày tỏ tình cảm không là chữ “nhớ”, mà hơn thế.  Tôi nghĩ ông sẽ hiểu, ông sẽ đón nhận, chúng tôi thân thiết đến thế mà.  Gửi đi rồi, bỗng dưng tôi lo sợ, nếu ông chối từ, nếu ông cho là tôi trêu đùa…  Tôi phấp phỏng chờ đợi…

Một tuần, hai tuần, rồi một tháng trôi qua không thư ông, tôi hơi buồn buồn, định gọi điện thoại, nhưng không đủ can đảm, lại chờ đợi trong hồi hộp.  Chờ mãi đến lúc tưởng chừng cạn kiệt sự kiên nhẫn thì thư ông tới.  Tôi run run mở, áp lá thư vào ngực nhắm mắt thầm cầu mong nó đem lại cho tôi niềm hạnh phúc như mơ ước… Nhưng tôi không thể đọc hết lá thư dù chỉ có một trang giấy.  Ngay từ những dòng đầu ông viết: “… Tôi hiểu tình cảm vô giá dành cho tôi, tôi rất cảm động và trân trọng, nhưng tôi không thể…  không chỉ là khoảng cách tuổi tác hay vị trí xã hội mà vì trái tim tôi đã nguyện cống hiến cho cuộc đời quân ngũ.  Tôi không còn thời gian để có thể bắt đầu…  Hãy nghĩ đến tương lai đang rộng mở của tuổi trẻ.  Đừng vì tôi…”

Như một đứa trẻ bị đánh đòn oan ức, tôi bật khóc tức tưởi.  Ông làm tim tôi đau, tôi như chơi vơi, trong tôi ông đã chiếm địa vị độc tôn, những lời trong thư ông làm tôi hụt hẫng.  Tôi buồn suốt một thời gian dài, như kẻ thất tình, không viết thư gửi ông. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau bình tâm lại, tôi và ông lại trở lại vạch xuất phát, thư tôi và ông đều đặn gửi cho nhau như trước và cả tôi lẫn ông như cố tình quên đi hai lá thư kia.  Tôi vẫn luôn nằm mơ thấy ông, nhưng tôi không kể về những giấc mơ đó, tôi giữ riêng ông trong tôi, và tôi không thể yêu ai, tôi không đẩy ông ra khỏi trái tim tôi được.  Hình ảnh ông hằn sâu, sống trong tôi…

30.4.2005 – Thành phố Hồ Chí Minh.

30 năm thành phố tôi cùng cả nước kỷ niệm ngày giải phóng thống nhất Tổ quốc. Ông lại được mời làm vị khách danh dự của thành phố.  Vẫn đẹp ngời ngời trong mắt tôi trên lễ đài.  Vẫn làm tim tôi hồi hộp nôn nao xao động.  Và khi tác nghiệp y hệt 10 năm trước, tôi vẫn lúng túng bối rối trước ông…  dù tôi đã thật sự trưởng thành là người lớn không phải cô bé ngày trước.  Khi những cuộc diễu hành biểu dương lực lượng và lễ kỷ niệm kết thúc, tôi gặp ông, giữa chúng tôi hình như có thật nhiều điều muốn nói, ánh mắt nhìn nhau nói lên tất cả, vì chúng tôi thật hiểu nhau, dù không gần nhau.

Đêm thành phố đầy sao, gió lồng lộng từ mé sông Sài Gòn thổi vào, tôi và ông ngồi ở sân thượng toà nhà cao nhất thành phố ngắm Sài Gòn lung linh trong muôn vạn ánh đèn màu.  Rất gần nhau, như chính đêm trung du phương Bắc năm nào, vẫn im lặng thật lâu, nhưng hình như cả hai đều hiểu đang nghĩ về điều gì…  Vẫn là ông phá tan sự im lặng.

– Mỗi người lính đi qua chiến tranh  đều mang một vết thương một nỗi buồn.

Tôi thở hắt ra, như đêm phương Bắc lập lại.  Giọng ông trầm xuống:

– Vết thương dù lành nhưng vết sẹo không lành được, mỗi khi trái gió nó lại tấy lên. Nỗi buồn cũng khó xoá, dù thời gian có trôi qua, nó vẫn luôn ám ảnh trong cuộc đời. Tôi là con người của quá khứ, nửa đời chinh chiến mang trong mình nhiều vết thương nhiều nỗi buồn.  Tôi còn mắc nợ cuộc đời nhiều lắm, nợ với người đã khuất, nợ với người còn sống, nợ với chính mình.  Trong tôi cũng có thật nhiều mâu thuẫn mà tôi không giải quyết được, nó làm tôi vướng vất, đau khổ.  Tuổi trẻ của tôi đã qua rồi.  Tôi hiểu chân tình dành cho tôi lớn lắm.  Chúng ta hãy giữ mãi tình cảm trân trọng, yêu quí nhau như hai người tri kỷ thuộc về hai thế hệ…

Dù có thể đoán trước được những gì ông sẽ nói, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng.  Trong tôi cứ trào lên những cảm xúc lẫn lộn tủi hờn, giận dỗi.  Nhưng tôi không thể không nhận ra ông rất buồn, ánh mắt ông nói với tôi, ông không muốn nói những điều đó nhưng bắt buộc phải nói.  Bản thân ông có những lời khác để nói với tôi.

Thế rồi tôi và ông kẻ Nam người Bắc, một già một trẻ, như hai người tri âm vong niên gắn kết với nhau bằng những lá thư xuyên Việt đầy tình cảm, nhưng không có một lời nào đề cập đến tình yêu.  Ông vẫn luôn chúc tôi “có niềm vui”, tôi hiểu ông muốn nói gì.  Trái tim có tiếng nói riêng mà lý trí đôi khi không điều khiển được.  Tôi đã qua tuổi 30, đã thật sự trưởng thành cả trong cuộc sống và nghề nghiệp, không ai có thể bắt tôi gạt bỏ hình ảnh ông ra khỏi tôi.  Ông đã là hình ảnh in đậm trong tôi từ thời thơ ấu và khi lớn lên hình ảnh càng rõ nét, sâu đậm hơn.  Không có người nào làm lu mờ hay thay thế ông trong tôi.  Trái tim tôi qua thời gian thử thách, đã khẳng định tôi yêu ông, một tình yêu trọn vẹn, với tôi hạnh phúc không cứ phải được sống chung với nhau cả đời.  Hạnh phúc vẫn đến, vẫn cứ tuyệt đẹp và xúc động, đó là hạnh phúc được nghĩ được nhớ về nhau.  Tôi tin sẽ có một ngày chân tình của tôi sẽ làm ông cảm động.

Trong tim tôi luôn có một vị tướng!

 

Vĩ thanh:

Tình cờ tôi được biết câu chuyện của cô nhà báo, và cũng thật tình cờ trong chuyến đi công tác lên miền trung du tôi được gặp ông tướng trong tim cô.  Có lẽ cảm động vì câu chuyện tôi kể về cô cho ông nghe, có lẽ cần được chia sẻ tâm sự nặng trĩu, ông đã đưa tôi xem cuốn nhật ký.  Mạn phép ông tôi trích vài đoạn, hy vọng cô nhà báo đọc được.

30.4.1995…  Tôi gặp em, như một làm gió mát thổi vào tôi giữa vầu trời nóng nực mùa khô phương Nam.  Một đôi mắt trong veo ngây thơ, một giọng nói Sài Gòn nhỏ nhẹ, một vóc dáng thanh xuân tươi trẻ và vẻ lúng túng bối rối…  Tôi thèm được trở về tuổi 20.

Ngày…  Tôi làm sao thế, tóc đã hoa râm nhưng lại vấn vương một cô gái nhỏ.  Tôi nhớ em.  Tôi hay mở đài, hy vọng được nghe em trên sóng phát thanh.  Cám ơn nhà báo Ngọc.  Tôi đã nối sợi dây với em.  Những lá thư, sứ giả tuyệt vời của tôi.  Em như một nàng tiên đang dần chữa lành các vết thương nỗi buồn trong tôi.

Ngày…  Tôi cảm nhận được đằng sau câu chữ của em là tình cảm thiêng liêng, nhưng tôi sợ gọi tên.  Tôi không dối lòng, trong tôi cũng đã nhen nhóm ngọn lửa.  Nhưng tuổi tác tôi và em và còn bao nhiêu khoảng cách vô hình dư luận, xã hội…  làm tôi do dự, tôi không thể.  Số phận đang đánh đố tôi, thử thách tôi.

Đêm…  Tôi biết tôi làm em buồn, thật ra tôi rất yêu em nhưng tôi không đủ dũng cảm thú nhận điều đó trước em.  Tôi sợ tôi làm cuộc đời em khổ vì tôi không còn trẻ.

Đêm…  10 năm, em vẫn mang hình ảnh tôi trong em không phai nhạt.  Tôi làm sao có thể thờ ơ được.  Tôi không thể để em như thế. Trái tim tôi mách bảo, tôi phải dũng cảm lên, đến với em đáp lại chân tình của em, tình yêu của em dành cho tôi…  Tôi yêu em.

Truyện ngắn của Hoài Hương – hoaivan612

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn