Blog Radio 155: Cho những tâm hồn cần một chốn nương tựa

Những tâm hồn cần chốn nương tựa

Những tâm hồn cần chốn nương tựa

“Hạnh phúc đơn giản chỉ là được ở bên ấy… cùng xem bộ phim có những tiếng cười cùng ấy… để quên đi được cái cuộc sống đang chảy nhanh của mình… mình muốn sống chậm lại để để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để lắng nghe nhịp chảy của cuộc….và chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn…”
 

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!


(Trích từ Facebook bạn đọc Cao Bồi)
Bạn đang lắng nghe Blog Radio 155 với thông điệp: “Sống chậm” và những sẻ chia dành cho những tâm hồn cần một chốn nương tựa, những tâm hồn cô đơn, thấy mình chênh vênh giữa những thử thách của cuộc sống!
  • Ngợi ca sống chậm
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, cả thế giới mắc bệnh thời gian. Tất cả chúng ta đều thuộc cùng một giáo phái tôn sùng vị thánh mang tên Tốc – Độ. Chúng ta đã chuyển sang thế giới “nhanh nuốt chậm”. Chế độ ăn kiêng chậm hiệu quả? Đi hút mỡ! Quá bận để nấu ăn? Hãy mua lò vi sóng hoặc đi nhà hàng!
Những truyện cổ tích được rút gọn. Slogan của những cuộc tranh tài tại Olympic là “Nhanh hơn – Cao hơn – Xa hơn” chứ không phải “Đoàn kết hơn – Trung thực hơn – Cao thương hơn”. Một người nói: “Ôi, tôi bận quá đi mất, tôi chạy rã cả cẳng, tôi chẳng còn thời giờ làm việc gì nữa” thì có nghĩa họ muốn nói “Nhìn tôi đây: Tôi quan trọng lắm, năng động lắm, nghị lực lắm”.

Trong thời đại này, nhắc đến chậm là nghĩ đến tụt hậu, kém phát triển, nghèo đói. Vậy mà, vẫn có những phong trào sống chậm nhen nhóm và phát triển mạnh ngay trong lòng những nước phát triển.

Sống chậm thức tỉnh những mê muội về một cuộc sống tốc độ điên rồ bòn rút đến cùng kiệt những sinh lực sống, những mối quan hệ chân tình, những niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc sống hàng ngày. Sống Chậm không có nghĩa tất cả đều phải chậm lại. Nhanh và Chậm không đơn giản chỉ là tốc độ đơn thuần. Nhanh là bận rộn, kiểm soát, xông xáo, vội vàng, phân tích nhanh nhạy, stress, hời hợt, nôn nóng, tích cực chủ động, số – lượng – trên – chất – lượng. Chậm có nghĩa ngược lại: thư thái, cẩn trọng, tiếp thu, điềm tĩnh, trực giác, không vội vàng, kiên nhẫn, suy nghĩ thấu đáo, chất – lượng – trên – số – lượng. Tức là tạo lập những kết nối thực sự và có ý nghĩa – với con người, văn hóa, công việc, dinh dưỡng, và mọi thứ… Phong trào Chậm không nhằm tiến hành mọi việc theo tốc độ sên bò. Cũng không phải một nỗ lực bột phát hòng kéo toàn thể hành tinh trở về thời kỳ tiền công nghiệp không tưởng. Trái lại, phong trào tập hợp những người muốn sống tốt hơn trong một thế giới hiện đại, tốc độ cao. Chính vì vậy, triết lý sống chậm có thể tóm tắt chỉ trong một từ duy nhất: CÂN BẰNG.

Thực sự rằng, nói không với tốc độ đòi hỏi hết sức dũng cảm. Dũng cảm chứ không chỉ là dũng khí. Như người lính trên chiến trường. Lòng dũng cảm thôi thúc họ dấn thân vào nguy hiểm để đạt được mục đích. Điều này đòi hỏi một quá trình suy nghĩ chín chắn. Còn những hành động bột phát chỉ là liều lĩnh mà thôi. Nhưng liệu bạn đã nghĩ rằng, chủ nghĩa tôn thờ tốc độ là kẻ thù của mỗi chúng ta?!

Từ FaceBook Sở Lố
  • Cho những tâm hồn cần lắm một chốn tựa nương
Lời tác giả: “Trời Sài Gòn hôm nay mưa nên âm u lắm, tâm hồn con người cũng vì thế mà âm u lây, thành ra có hứng lại “lóc cóc” với bàn phím cả buổi chiều… Thương chúc các bạn những ngày sắp tới tràn đầy niềm vui”

… cho những tâm hồn cần lắm một chốn tựa nương
Xòe bàn tay ra, tin chắc là có ai đó sẽ nắm lấy. Có thể là rất chặt hay chỉ nhẹ nhàng thôi, nhưng chí ít là ta biết: Ta không hề đơn độc.

Xin đừng vội từ bỏ niềm tin và tình yêu vào cuộc sống. Dẫu những điều đã trải qua có là đau đớn đến cùng cực thì xin hãy cứ vững tin. Có phải cứ đi rồi thì sẽ đến, cứ gõ rồi thì cửa sẽ mở, vậy thì cứ tin đi rồi sẽ nhận về lại rất nhiều.

Tôi không huyễn hoặc bạn, nhưng tôi viết bằng cả tấm lòng của một người trẻ dù không trải hết những buồn vui, thăng trầm của cuộc đời, nhưng là một người trẻ mong được đồng cảm và sẻ chia cùng bạn, bạn thân mến của tôi ạ!

Có phải mỗi lần ta “khủng hoảng” niềm tin và không biết làm sao để đối mặt, để đưa ra cho bản thân những quyết định đúng đắn, ta vẫn thường hay lật lại từng trang của cuộc đời, về những điều đã xảy ra và những ngày tháng đã qua mà ta không làm sao để làm lại, để chỉnh sửa những sự chọn lựa và hành động của bản thân. Cảm giác này thật khó phải không bạn thân mến. Khó để đối mặt, khó để chấp nhận và … khó để vượt qua.

Nhưng hãy cho và hãy để mình được khủng hoảng niềm tin như thế, đừng quá lo lắng vì sao tôi không biết phải làm như thế nào. Vì khủng hoảng cũng là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ là ta thấy bất an và sự việc ta làm thì bất ổn. Thế nên việc ta cần lúc này là“ kiểm điểm” và xem xét lại những hành động của bản thân. Khủng hoảng để giúp ta có thời gian suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Nhưng khủng hoảng không đồng nghĩa là sẽ phải ngưng trệ hết tất thảy những hoạt động trong cuộc sống thường ngày. Vì nếu khủng hoảng quá thì sẽ rất dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng và bi quan. Điều này tôi và bạn, tất cả chúng ta, đều biết, nói thì dễ nhưng làm được thì rất khó.

Hành động và suy nghĩ, chúng thân với nhau lắm, nhưng càng thân thiết và gần gũi thì lại càng dễ nảy sinh những khúc mắc và mâu thuẫn. Chỉ một vài phút giây yếu lòng, thiếu hoặc suy nghĩ không đúng, sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Và những lúc suy nghĩ quá nhiều thì thành ra lại giết chết khả năng hành động. Dài ngắn, xa gần, nông sâu trong cách ta suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề, quan trọng lắm!

Không ai bắt mình phải mạnh mẽ, phải cứng cáp, thô ráp và phải tạo cho mình những vỏ bọc. Sống là mình để yêu thương mình nhiều hơn. Cảm xúc là điều đôi khi ta muốn giấu vì những lí do khách quan hay chủ quan, nhưng nếu có thể hãy cứ vỡ òa nức nở, cứ tựa vào bờ vai gần nhất, là ai cũng được. Cứ trung thực và tự nhiên nhất có thể với những cảm xúc của bản thân. Hãy nhớ, bạn không bao giờ đơn độc trên con đường bạn đi, dẫu có là một người xa lạ, vẫn phải tin chắc rằng với một nụ cuời không ai nỡ đánh thuế và cũng không ai lại thấy tiếc khi phải cho đi. Sẽ là một người bạn rất– không- tốt với chính mình khi cứ cố để che giấu điều gì đó mà lẽ ra bạn có thể nhận được sự đồng cảm và chia sẻ từ những người thân, người thương và những người yêu mến bạn.

Hãy cười hiền như con trẻ và vỗ về mình trong những niềm tin con. Tưởng chừng những điều nhỏ bé như thế này sẽ là không- thật- cần- thiết trong cuộc sống và cho mỗi cuộc đời. Nhưng chẳng phải ai trong chúng ta cũng lớn lên bằng khởi điểm là sự hồn nhiên của con trẻ, và rồi bươn chải, và rồi phấn đấu cho một mục đích chung là sự tồn tại. Và để làm cho sự tồn tại này trở nên ý nghĩa sao ta không nắm lấy một bàn tay, và tạo ra cho nhau những cơ hội để xích gần lại trong nghịch cảnh, khó khăn, trong những lúc chới với về vật chất và tinh thần.

Nhiều khó khăn và những nghịch cảnh không là những rào cản nhưng là những bước đệm để nâng ta lên trên những giới hạn của bản thân, khi ta luôn nghĩ là mình không thể. Lạc quan lên bạn nhé! Tin là dù trong hoàn cảnh nào bạn cũng luôn là người được thương yêu nhiều nhất. Có chăng là vì cuộc sống bận rộn quá, có ai đó bạn cần vào những thời điểm quan trọng, đã và không thể ở bên cạnh. Nhưng… đâu đó, luôn có nhiều hơn một ánh mắt nhìn và những tình thương yêu dõi theo mỗi bước chân bạn đi.

Tôi tin và tôi cầu chúc cho tất cả những tâm hồn có những tổn thương sẽ chóng lành lặn, cho những mất mát sẽ được bù đắp, cho những thành công bị trì hoãn sẽ vượt qua những chướng ngại, và quan trọng nhất là tôi cầu chúc cho những niềm tin sẽ luôn hiện diện và tồn tại bền vững trong mỗi người.

… yêu tất cả…với một trái tim chân thành!

P/S: “chậm lại hơn trong mỗi phút giây để biết là ở mỗi thời điểm khác nhau, luôn có những bàn tay kiếm tìm, và những bờ vai mong đuợc tìm thấy!”

  • Chuyển thể từ email Hoài Bão – hoai_bao868@
Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn