Blog Radio 146: Gửi các bạn lớp 13

Tôi thi trượt đại học

Tôi thi trượt đại học

Vậy là tháng 9 đã đến, tháng 9 mùa thu tựu trường, tháng 9 nhập học với bao háo hức của một cấp học mới và những người bạn mới…

Nhưng mỗi năm khi tháng 9 mùa tựu trường về, có những nỗi niềm cần lắm được sẻ chia và tiếp thêm sức mạnh…

Tuần vừa qua Blog Radio đã nhận được rất nhiều lá thư của những thí sinh không có kết quả như mong đợi trong kỳ thi Đại học vừa qua. Những lá thư đầy tâm sự, cung bậc cảm xúc khác nhau… đó là nỗi niềm thất vọng, những giọt nước mắt… nhưng trong những lá thư đó vẫn đầy ắp những lời tự động viên mình, những chia sẻ dự định cho một năm tiếp theo. Trượt đại học không phải là bạn đã mất tất cả, trượt đại học, bạn có những con đường đi cho riêng mình, trong số đó rất nhiều bạn lựa chọn con đường tiếp tục dùi mài kinh sử chờ đợi một năm thi quyết tâm thử sức ấp lánh niềm tin vào một năm thi tới. Mời bạn cùng chia sẻ những cung bậc cảm xúc này với Blog Radio Gửi các bạn lớp 13

 

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

  • Lá thư con trai trượt đại học gửi mẹ:

“Mẹ à! Con trai của mẹ nè. Chắc giờ này ở nhà mẹ cũng đang nhớ con lắm phải không mẹ. Con cũng thế, ở nơi xa này con luôn ngóng về nhà, về tổ ấm gia đình mình. Bố đã không ở nhà rồi, mẹ buồn lắm phải không. Con chỉ chờ mong sao thi học kì thật nhanh để con được về với mẹ thôi, lúc đó con sẽ làm lại một lần nữa mẹ à. Con biết mặc dù mình là con trai. Con trai chí ở bốn phương, nhưng con không thể không nhớ mẹ, không nhớ em được.

Con đang làm gì mẹ biết không? Con đang ôn thi lại mẹ à, ngành con đang theo học ở trường đại học Đà Lạt bây giờ cũng không phải không tốt nhưng con vẫn muốn con sẽ chính mình.

Năm vừa rồi, lúc báo điểm chắc mẹ thất vọng về con lắm phải không mẹ? Con biết chứ, hi vọng của cả gia đình ta mà. Con cũng buồn lắm nhưng con không thể nói gi ngoài lời xin lỗi bố mẹ, xin lỗi ông bà và tất cả mọi người, con tự nhủ mình sẽ phải làm lại, làm lại từ đầu. Con đã từ chối việc ở nhà ôn thi lại bằng cách làm hồ sơ NV2 vào trường đại học Đà Lạt, như một kẻ thất bại. Mẹ biết không đó là sự chạy trốn của con thôi mẹ à. Một thằng con trai hèn quá phải không mẹ? Con biết chứ, nhưng con không thể đối diện với sự thật một đứa học giỏi nhất xóm trong vòng 12 năm, trong mắt mọi người con là đứa giỏi lắm, mà giờ đây lại trượt đại học.

Ngày con vào Đà Lạt nhập học con đã nếm trải cảm giác xa nhà, xa mẹ thực sự. Con buồn lắm, cảm giác trống vắng ùa vào tâm can con. Nhưng mẹ ơi, mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất đối với con, bằng niềm tin mẹ trao cho con, con tự nhủ con sẽ làm được. Làm được mẹ à. Giờ con vừa học vừa ôn thi. con làm hồ sơ thi vào đại học Y Hải Phòng. Một trường cao hơn trường năm trước con thi, vì mẹ, vì những giọt mồ hôi bố đã đổ để con được bằng bạn bằng bè, con sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình, và con tin con sẽ làm được mẹ à.

Con sẽ không để mẹ thất vọng về con nữa đâu. Con hứa đó. Mẹ ơi! con yêu mẹ nhất trên đời.. .Hãy tin con mẹ nhé, con sẽ làm được!

Mẹ ơi, con nhớ nhà!”
•    Gửi từ email Thanh Tùng – nguyenphucthanhtung@
  • Lá thư chị gửi em gái
Em gái yêu quý!
Những ngày qua, chị gái đón nhận rất nhiều tin mừng đỗ đại học với số điểm khá cao. Nhưng…không phải là của Còi, mà là từ những em của bạn bè chị. Vui mừng cho bạn, nhưng chị không tránh khỏi nỗi tủi thân, và buồn phiền.
Chị không thất vọng, không hoảng hốt, không trách móc em gái. Chị bình thản đón nhận tin trượt đại học của em, \trong lòng đau xót nhưng trên hết là sự lo lắng cho tinh thần của em. Em gái bé nhỏ và yếu ớt, chị không biết rồi em có vượt qua được cú sốc này mà đứng dậy được không? Hơn hết, chị thương và lo cho Còi lắm. Những cố gắng và quyết tâm của em đã vỡ vụn, tan tác từ cái giây phút điểm thi được thông báo. Và, ngay cả bây giờ đây, khi ngồi gõ những dòng tâm sự này, chị cũng đã phải cố dằn xuống những cảm xúc, giận và thương…
Chị biết ngay hôm đầu tiên chị về, em khóc ngay cạnh chị. Chị tỉnh dậy vào lúc nửa đêm, bố mẹ cãi nhau, bố ngủ ghế ngoài, còn em khóc ngay cạnh chị. Chị không biết, mình mà tỉnh dậy thì làm gì lúc ấy, vì chính chị cũng sợ, chị cũng thấy hụt hẫng lắm. Chị không biết xử trí thế nào, chỉ còn mỗi cách là vòng tay ôm em thật chặt. E m nhớ không, phút chị trở mình ấy, chính là lúc chị muốn em biết rằng, em gái có chị ở bên sẵn sàng bên em khi em yếu lòng nhất, là nơi tin tưởng nhất để em có thể tựa vào, em hiểu không?
Bố mẹ cũng chịu nhiều áp lực, em cố gắng thông cảm cho bố mẹ. Cũng giống như em, bố mẹ cũng khổ tâm lắm, nhưng không thể cứ lầm lũi và im lặng được. Bố mẹ thương em lắm chứ, nhưng thương thì cho roi cho vọt. Điều cần thiết là học cách chịu đựng, có lòng tự trọng, tự ái em sẽ lớn lên. Và em biết đấy, rồi chuyện này sẽ mất khoảng 2 tháng nữa mới lắng xuống được! Em sẽ còn phải chịu đựng nhiều hiểu không? Bạn bè, thầy cô giáo, hàng xóm láng giềng.Và chị thì cầu khấn trời phật, cho em có đủ sức mạnh để vượt qua những dư luận ấy.
Nhưng không phải là lờ đi, là lãng quên hay lảng tránh nó. Mà chính là sự đối mặt một cách nghiêm túc, dám chấp nhận thất bại, để lần sau và thậm chí là lần sau nữa… em vượt qua, dạn dĩ, trưởng thành hơn. Biết đau, biết tủi, biết nhục… thì em sẽ tự biết cách tìm ra.

Chị gái sẽ luôn ở bên cạnh, chia sẻ muộn phiền với em. Chị muốn em nghiêm túc nhìn lại bản thân mình, xét đoán những sai lầm,vì con người trưởng thành hơn từ những thất bại, những sai lầm. Và chị sẽ ở bên, giúp em sửa chữa, chị cần sự hợp tác của em, em gái ah.
“Thất bại không có nghĩa là em đã cúi đầu , mà chỉ đơn giản là em phải đủ can đảm để đương đầu với nó”…
Cố gắng lên nhé, em gái !
Chị gái của em
Lê Hoàng Vân

Và sau đây là lá thư của người em gái được nhắc tới trong lá thư trước, 1 năm sau khi cô gái ấy nhận được lá thư từ người chị gái của mình:

  • Vì sao tôi trượt Đại học !

Tôi đã từng trượt Đại học. Cú sốc đầu đời của tuổi 18 làm tôi thực sự hoảng loạn. Thời gian đầu khi biết điểm đó là một bất ngờ lớn đối với tôi, với bố mẹ Thầy cô và bạn bè vì sức học của tôi không đến nỗi nào, tôi chăm chỉ và học khá. Vậy mà tôi đã trượt…

Cuộc sống với tôi lúc ấy dường như địa ngục, tôi mệt mỏi, chán nản tôi lâm vào trạng thái trầm uất và căng thẳng. Hy vọng nhiều thì thất vọng càng lớn. Tôi khóc, mất ngủ tôi vật vã mất ngày liền…đôi lúc tôi thấy mình là người thừa và còn buồn hơn nữa khi kết quả thấp kém của tôi kéo theo không khí nặng nề của gia đình, bố mẹ không nói gì, ko trách mắng  nhưng nhìn bố mẹ tôi biết lòng họ trĩu nặng.

Rồi một ngày tôi nhận được lá thư của Chị gái, lá thư dài 5 trang toàn chữ, lá thư kể về những thất bại của chị đã gặp phải và cách chị đứng lên sau những lần vấp ngã ấy. Tôi đọc mà nhòe nhoẹt nước mắt đó là cảm giác thấy mình có lỗi nhiều hơn là thấy mình đáng thương, tôi có lỗi với bố với mẹ với chị với tất cả những người thân mà tôi yêu quí. Tôi vẫn còn nhớ như in một câu nói chị viết trong lá thư ấy : “ Thất bại không có nghĩa là em đã cúi đầu , mà chỉ đơn giản là em phải đủ can đảm để đương đầu với nó ”…đúng cái giây phút ấy tôi biết mình phải đứng dậy và mạnh mẽ hơn bao giờ hết gạt đi nước mắt tôi hiểu mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, vì tương lai vì ước mơ và vì những người thân yêu của tôi.

Với 19 điểm tôi có thể đi NV2 một trường ĐH công lập nào đó nhưng tôi đã không nộp đơn mà quyết định ở nhà ôn thi thêm 1 năm nữa. Việc đi học ĐH có thể sẽ giúp  tôi thoát khỏi tình trạng hiện tại nhưng sau này không dám chắc tôi sẽ hối hận về quyết định của mình, tôi không muốn từ bỏ ước mơ và cũng không muốn chạy trốn.

Có lẽ với tôi công việc quan trọng nhất mà tôi phải làm lúc đó là vạch ra những sai lầm của bản thân ? Vì sao tôi trượt ĐH ?  Lí do nào khiến tôi thất bại ?

Phương pháp học tập

Những năm đi học tôi là 1 đứa chăm chỉ và cần mẫn, thời gian chính dành nhiều cho việc học tập, học tối ngày thời gian đi học ở trường thời gian học ở nhà thời gian học thư viện chính vì thời khóa biểu bị lấp kín nên tôi ít có thời gian đi chơi cùng bạn bè hay tự thưởng cho mình giây phút thoải mái sau giờ học trên lớp, ít lao động nên đầu óc lúc nào cũng bị căng cứng và với việc học nhiều như vậy kéo theo cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, stress…  Áp lực của bài vở đôi khi khiến tôi thấy rã rời và hiệu quả tiếp thu bài không cao. Đó là cách học nhồi nhét.

Lớp 12, tôi dành nhiều thời gian học thuộc lòng, vì thi trắc nghiệm lí thuyết đã chiếm đến 50%, tôi học như một con vẹt thuộc làu làu từng bài trong sách giáo khoa. Tôi có thể nhớ được từng bài, từng chuyên đề về 1 dạng bài nào đó nhưng tôi lại lúng túng trước những đề bài tổng hợp nhiều kiến thức. Học không có chiều sâu, không hiểu rõ bản chất của vấn đề, học tủ dùng trí nhớ mà không khái quát được những vấn đề trọng tâm của toàn bài. Chính vì vậy mà khi gặp những dạng bài lạ tôi không biết cách giải quyết và khi bị căng thẳng tôi thường dễ quên chúng? Đó là cách học hời hợt.

Cấp 3 lớp tôi có khá nhiều bạn học giỏi nhưng vì tính sĩ diện tôi rất ít khi hỏi bài bạn bè, tôi luôn tự mình giải quyết nhưng quá nhiều thắc mắc khiến tôi không thể tự làm được, khó là tôi bỏ! Đó lại là 1 sai lầm lớn nữa với tôi. Học Thầy không tày học bạn, vậy mà tôi tìm cách giấu dốt chỉ vì sợ bạn bè coi thường. Tôi luôn đặt nặng áp lực về điểm số và bằng mọi cách để đạt dược điểm cao không muốn thua kém bạn bè. Mục đích ấy quá cao khiến tôi luôn cảm thấy nặng nề và lo lắng trước những kì kiểm tra và kì thi, tâm lí không thoải mái tôi không thể làm tốt.

Tính tôi nhút nhát và không nhiều bạn công thêm với việc ít tham gia các hoạt động của lớp vì sợ tốn nhiều thời gian làm tôi lúc nào cũng như thu mình vào vỏ ốc. Giờ tôi mới ngộ ra một điều rằng những hoạt động ngoại khóa trên lớp thực sự bổ ích chúng khiến tôi gần gũi mọi người, tự tin và dạn dĩ hơn giảm stress sau mỗi giờ lên lớp và hơn thế nữa thay bằng sự lo lắng tôi sẽ tự tin hơn khi tham gia những kì thi.

Và cách giải quyết

Sang năm ôn thi lại, tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho mình. Không cắm đầu vào học nữa. Thời gian rỗi tôi giúp mẹ công việc nhà, lao động khiến đầu óc tôi sảng khoái và minh mẫn hơn. Tôi đăng kí tham gia một lớp học 13 ở trung tâm gần nhà. Việc học bài bản có Thầy chỉ dạy là rất cần thiết vì Thầy cô là những người hệ thống sườn kiến thức cho mình, đừng ngại đừng xấu hổ vì ở đâu chúng ta cũng kiếm được những người bạn mới. Học lớp 13 tôi biết thêm nhiều bạn tôi cởi mở thân thiện và cười nhiều hơn, ngoài giờ học chúng tôi còn trao đổi bài vở với nhau, tôi không còn ngại hỏi bài vở bạn bè hỏi thật kĩ đến khi nào hiểu rõ bản chất mới thôi, tôi phát hiện ra các bạn lớp 13 học không hề kém có lẽ họ cũng giống như tôi sai lầm một chút về đường đi mà thôi.

Lớp 13, tôi không cố nhồi nhét kiến thức vào đầu, sắp xếp một thời gian biểu hợp lí cho từng môn học tôi có nhiều thời gian hơn vì chỉ phải học 3 môn chính. Tôi đọc kĩ các dạng bài trong sách nghiền ngẫm nó rồi thâu tóm những ý cần phải nhớ và học, học phần nào chắc chắn phần đó, thà học 10 biết 5 còn hơn học 10 biết 8 mà hời hợt đụng vào đâu cũng không hiểu rõ vấn đề.
Học xong chương trình 2 tháng cuối tôi bắt tay vào làm đề, bấm thời gian và theo dõi tiến trình làm bài. Những lần làm đề giúp tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm đặc biệt trong cách trình bài bài là khâu mà tôi yếu nhất đối với môn Toán. Tìm ra cách giải nhanh nhất đối với những môn thi trắc nghiệm. 1 ngày chỉ cần làm  2 đề thì trong 1 tháng kinh nghiệm dắt túi cũng được kha khá rồi đấy.

Ngoài ra tôi còn tham gia một số hoạt động XH của đoàn Thanh niên tổ chức vào những dịp cuối tuần như biểu diễn văn nghệ, đi thăm các làng trẻ em khuyết tật, tuyên truyền viên cho các hoạt động…. thời gian tham gia cùng với đội khiến tôi tự tin và hòa đồng hơn với mọi người và cảm thấy mình có ích hơn.

Kết quả

Vậy là tôi bước vào kì thi ĐH năm thứ 2, tinh thần thoải mái chỉ có đôi chút áp lực nhưng lòng tự tin có lẽ cũng che lấp đi được phần nào áp lực đó…

Tôi kết thúc kì thi đại học với một kết quả không đến nỗi nào, tôi đã đỗ vào ngồi trường mà tôi mơ ước. Niềm vui xen lẫn với niềm tự hào tôi biết mình đã chiến thắng bản thân. Chấp nhận thử thách và đương đầu với thất bại.

Cú sốc của tuổi 18 dạy tôi nhiều thứ, tôi đã không phải hối hận về quyết định mà mình lựa chọn như một lời dạy của bố đã từng nói với tôi: “Con vấp ngã chỗ nào con sẽ đứng lên chỗ đó, can đảm đối mặt với thất bại đừng chạy trốn nếu con không muốn là một kẻ hèn nhát”

Tôi chiến thắng và tôi không hèn nhát !

Nếu bạn nào muốn tìm sự chia sẻ thì hãy gửi thư cho tôi vào địa chỉ lethuha.nha.k12@gmail.com nhé, hi vọng tôi sẽ có những lời khuyên bổ ích cho các bạn !

  • Blog Radio chuyển thể từ email Thanh Tùng – email Hoàng Vân – email Hà Lê – lethuha.nha.k12@
Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn