Blog Radio 139: Ngõ Hoa Phai

Ngõ hoa phai

Ngõ hoa phai

Cỏ xanh ngủ kín triền đê
Dáng ai thơ thẩn lối về miền hoa

Khi sắc đỏ của cánh phượng cuối cùng tan đi trên thảm cỏ nâu xanh, thành phố đón mùa thu bằng những cơn mưa nhẹ và đều mỗi sáng. Cái nắng chiều thưa mỏng để lộ cả khoảng trời cao vút xanh.

Đi hết chân cầu là con dốc nhỏ. Cô gái chầm chậm băng qua phố chợ tấp nập buổi tan tầm. Ngõ Hoa Phai nằm chênh vênh bên phố, nhỏ hẹp và gợi đường dài xa. Nhà cô nơi cuối ngõ. Cửa sổ trông ra đường tàu, phía trái nhà là ao bèo nhỏ nở đầy những hoa màu tím.

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

“Tại sao em lại phải đi thực tập ở một nơi xa xôi như thế ? Anh có thể liên hệ trường khác cho em. Bỏ vụ này đi.”

“Cả một mùa xa nhau, em không sợ sẽ mất anh sao?”

“Anh không hiểu nổi em nữa. Em cứ khăng khăng giữ lấy quyết định của riêng mình đi”

Ngôi nhà ngày xưa đã thay tên đổi chủ. Cô trở về như khách lạ người dưng. Không ai quen, không ai biết.

Trong trí nhớ của cô, ngõ Hoa Phai khá ồn ào. Trẻ con đi qua khu đường tàu thường cười đùa râm ran sau chiều tan học. Một ngày, tàu chạy qua đây mấy bận, tiếng bánh xe rầm rập lăn trên đường ray, và cả tiếng còi báo hiệu từ xa những điều gì huyên náo.

Lớp học của cô thực tế chỉ có chỉ vẻn vẹn có 21 học sinh trên con số 45 sách vở. Phố huyện vẫn còn nghèo lắm. Mỗi buổi tối muộn cô vẫn ráng thức khuya hơn một chút để đi vận động từng nhà cho bọn trẻ tiếp tục đi học đều vào sáng hôm sau. Đầu tiên cô đi cùng với Quỳnh – 1 cô giáo khác và anh bảo vệ ở trường. Sau đó công việc làm Quỳnh mệt mỏi và tâm l‎í chán chường đè nặng, Quỳnh bỏ cuộc. Chỉ còn lại hai người.

Có đôi khi cô cảm thấy mình là một con bé khờ dại nhất khi liều lĩnh đem tuổi trẻ, tình yêu ra đánh cược với khoảng cách và thời gian.


Đã ba tuần rồi, cô không hề nhận được bất cứ liên lạc nào của Vũ. Những ngày đầu đến đây, cô sợ đêm, sợ những khoảnh khắc trằn trọc không ngủ được, sợ những nhắn tin sẽ không có hồi âm, sợ luôn cả những tiếng tút dài trong đêm, vô vọng và ám ảnh. Cô cảm thấy sức nặng của nỗi buồn như kéo ghìm mình xuống. Nhưng rồi, cô nghĩ thoáng đi: cô có lựa chọn của cô, Vũ có quyết định của Vũ. Cả 2 chỉ có thể tôn trọng nhau chứ đâu thể làm gì hơn.

Ngày còn bé, cô rất thích mỗi buổi đầu thu, khi con phố hoa phai còn vương vấn chút dư âm mùa cũ. Cơn mưa rào thường đổ ập xuống mỗi sáng sớm. Dưới chân đường ray tàu, nghe tiếng mưa rơi ào ào như thác dội. Thời tiết se sẽ lạnh. Cô cũng yêu luôn cái cảm giác cuộn tròn và ngủ vùi trong chăn ấm như một con mèo con biếng lười nhất …

Cô chuyển về sống ở ngôi nhà cũ, không ở cùng phòng với Quỳnh nữa mà thuê trọ nhà bé Dương. Dương mồ côi mẹ, bố chết trong trại cai nghiện, sống bơ vơ bất vất với bà. Cô bé đâm ra già trước tuổi, nhanh nhạy và tháo vát. Ở ngõ nhỏ này còn biết bao nhiêu mảnh đời như thế…

Dần dà những người lớn không còn cho rằng cô là một cô giáo phiền phức, bọn trẻ con cũng bắt đầu quen thuộc và yêu mến cô. Anh bảo vệ ở trường vẫn luôn âm thầm quan tâm mà một lời thương cũng không dám ngỏ. Cô biết những tình cảm nảy sinh trong anh. Cô cũng biết luôn cả việc vì sao anh không thể nói. Cô còn có tương lai và tuổi trẻ. Rồi kì hạn 3 tháng thực tập sẽ kết thúc, liệu cô có đủ can đảm để ở lại mãi bên phố huyện nghèo này?

Trang, người bạn thân đến thăm cô, mang theo tin Vũ đã yêu người con gái khác. Cô hiểu đó là chuyện sớm muộn thôi nhưng không hiểu sao lòng vẫn trĩu nặng nỗi buồn. Tình cảm con người mong manh đến thế sao? Thời gian và khoảng cách có quyền lực với tình yêu đến thế sao… Những ngày xa nhau đâu đã nổi 1 mùa…

Phố Hoa Phai vào đêm, lẫn trong tiếng thở sâu và đều của bé Dương, lẫn trong giấc ngủ mỏi mệt của Trang; cô nằm nghiêng, mắt len lén khóc.

– Khủng long có thật không cô?

– Con lân có thật không cô ?

– Cô tiên có thật không cô?

Bọn trẻ con nhao nhao vây lấy cô trong buổi chiều phố huyện. Chủ nhật ấy, cô và anh bảo vệ đi theo bọn trẻ con ra đê. Tụi trẻ buộc lại đàn bò một góc, để mặc chúng thung dung gặm cỏ nhởn nhơ… Cô kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện cổ tích dài bất tận, về những người nghèo khổ, tốt bụng rồi sẽ được hạnh phúc. Buổi chiều trôi qua bình yên quá.

– Cô có ở lại đây mãi không cô?

Những ngước mắt nhìn cô, màu đen trong veo ngây thơ quá. Cô cười nhẹ xoa đầu đứa trẻ rồi lơ đãng nhìn bờ đê bạt ngàn xanh cỏ …


Cô không ngờ Vũ đến. Cô hờn giận, cô từ chối gặp, cô trốn chạy. Để rồi sau đó trên đường ray tàu, cô bé nhỏ, đen gầy, khóc nức nở và tấm tức trong vòng tay Vũ như đứa trẻ.

“Còn vài ngày nữa thôi nhưng anh không chờ nổi. Sắp hết 3 tháng dài rồi..

Anh chỉ muốn đón em về ngay lập tức. Em gầy và đen đi nhiều quá”

Cô thôi không khóc nữa mà kể cho Vũ nghe câu chuyện ngày xưa của mình, về nơi mà cô lớn lên, sinh sống 6 năm liền trước khi rời nơi đây lên thành phố. Tình yêu lại trở về, ấm áp hơn, nồng nàn hơn như bù đắp lại những tháng ngày bấp bênh chênh chao đã qua ấy.

Hết một mùa thu…

Vì tình yêu còn đọng lại trong kí ức tuổi thơ mà cô tìm đến nơi đây. Và cũng vì một tình yêu khác mà cô lại ra đi .

Anh bảo vệ bình thản tạm biệt cô với 1 nụ cười ấm. Anh biết người con gái ấy rồi sẽ ra đi. Nhưng bọn trẻ con, chúng ngây ngô không biết kìm nén, những ánh mắt hoang mang, giận dỗi, hụt hẫng của bọn trẻ làm cô không vui được. Có điều gì đau nhói ở trong tim.

Thành phố bước vào mùa đông, lạnh cóng. Cô và Vũ đính hôn với nhau. Nhưng tình yêu dù có mênh mang đến mấy vẫn có một khoảng buồn trống rỗng không lấp nổi.

Và rồi lá thư ấy đến, mắt cô như nhoà đi theo mỗi dòng chữ:

“…Cô tiêng là có thật. Cô dạy em biết đọc, biết viết. Cô tiêng kể cho em nghe rất nhiều truyện cổ tích về những cô tiêng khác.

Đêm, cô tiêng nằm hhóc.

 

Sáng hôm ấy có ngừi đem cô tiêng đi…”

Quỳnh gửi bài kiểm tra tập làm văn gần đây nhất của bé Dương cho cô. Cô học trò nhỏ của 3 tháng mùa thu ấy đã viết về cô – như một kỉ niệm đẹp của mình .

Cô mỉm cười sau mắt ướt, cảm thấy lòng mình nhẹ bẫng và thanh thản. Rồi cô sẽ rủ Vũ về thăm lại Ngõ Hoa Phai …

  • Blog Radio chuyển thể từ truyện ngắn Lối về miền hoa gửi từ email Phong Linh
Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn