Blog Radio 95: Đi học!

Đi học

Đi học

Ngày thứ 7 mở đầu tháng 9 hôm nay là thứ 7 đặc biệt bởi hôm nay là ngày Khai giảng năm học 2009 – 2010. Mỗi năm khi tháng 9, khi mùa thu về, chúng ta lại nhớ tới Lá thư Bác Hồ gửi các thế hệ học sinh Việt Nam, lại nhớ tới hình ảnh những lá quốc kỳ bay phấp phới, những ánh mắt hân hoan của các em học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Chúng ta sẽ lại nhớ tới tiếng trống trường rộn ràng mở đầu năm học mới. Hôm nay Blog Radio đưa các bạn ngược dòng thời gian trở lại những cảm xúc đặc biệt dành cho ngày khai trường, dành cho thầy cô và bạn bè qua bài viết của các blogger gửi tới chương trình. 

Hy vọng Blog Radio hôm nay sẽ tái hiện được phần nào không khí rộn ràng, náo nức của những ngày khai trường mà đôi khi trong cuộc sống bộn bề này chúng ta đã bỏ quên những cảm xúc rất trong trẻo ấy! 

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

Nhân ngày khai trường

Dear các bạn cấp II của tớ!

Sáng nay trên đường đi làm, tớ đi qua một ngôi trường cấp II, các em học sinh lớp 6 mặc đồng phục tinh tươm, khăn quàng đỏ thắm vai đang tập dậm chân tại chỗ theo điệu “mốt hai” chuẩn bị cho ngày khai giảng. Giật mình thế ra chỉ còn 2 ngày nữa là khai giảng, nhớ ngày này những năm đã xưa lắm rồi chúng mình háo hức lắm! Sách vở bọc gói xong xuôi, có khi tối về còn hí hửng mở ra hít hít mùi giấy mới. Đã lâu rồi tớ chẳng viết được điều gì ra hồn, hôm nay bỗng nhớ các ấy và nhớ cái không khí rộn ràng, náo nức của những ngày khai giảng cấp II quá, cho tớ viết vài dòng nhé, tớ sẽ không nhắc tên cụ thể bạn nào cả đâu nhưng những gì tớ viết chắc chắn mỗi chúng ta đều sống lại được phải không nào!

Tớ đang nhớ lại năm đầu tiên bước vào cấp II, đó có lẽ là khai giảng tớ không bao giờ quên. Hồi cấp I tớ là con bé nhút nhát lắm lắm thế nên ngày đầu đến trường cấp II tim cứ đập thình thịch, một ngôi trường mới này, những người bạn mới này, tớ biết phải xoay sở thế nào? Ồ vậy mà có điều tớ không thể ngờ nổi là lớp 6A ngày ấy của mình phải đến phân nửa là những người bạn từ 5A của trường cấp I. Cảm giác như chết đuối vớ được phao vậy ^^. Ngay sau khi ổn định lớp, nhận thầy nhận cô, hồi ấy tớ bé quá nhỉ, còi dí còi dị nên được xếp đầu hàng ngay mà xếp đầu hàng đồng nghĩa với việc cầm bảng lớp hoặc lá quốc kỳ trong ngày khai giảng rồi. Nhớ những buổi đến trường sớm tập dậm chân tại chỗ cho đúng tay đúng chân, diễu hành lên diễu hành xuống từ cổng trường xuống tập kết ở sân trường, lớp 6 bé nhất trường nên được các anh chị đứng hai bên vẫy cờ hoa đón nữa chứ. Cứ nhớ lại tớ lại bật cười, hồi ấy sợ ngày khai giảng cầm cờ không chuẩn, không vuông góc, thế là con bé tớ về nhà lôi ngay cái gậy tre chọc đồng hồ của ông nội ra để tập luyện. Uh thì cũng để đúng tư thế, sao cho tay vuông góc, chân vẫn bước “mốt – hai” và đầu nhất định phải ngẩng thật cao…. ở ngay trong nhà. Và rồi xoảng 1 cái, vì mải dậm chân bước đi mà tớ không để ý là cái cán gậy tre đã chọc vào đồng hồ treo tường của nhà… tan tành! Hix hix. Năm lớp 6 vui các ấy nhỉ, tớ cũng chả nhớ làm thế nào mà chúng mình nhanh chóng thân thiết với nhau như thế. Một lũ lít nha lít nhít mà đã có bao nhiêu hoạt động hoành tráng rồi, lớp mình hay đạt lớp gương mẫu nhỉ, rồi thì đi thi hát này, tự tụ tập đi lăng bác, ra Bách Thảo chơi nữa này, à cả đi thi học sinh giỏi nữa chứ.

Rồi, lớp 7 nhé, lớp 7 lớn hơn hẳn lớp 6 rồi, tuy còn vô khối trò nghịch dại nhưng dường như đứa nào cũng chững chạc hơn, biết suy nghĩ hơn vậy. Lớp 7 chúng mình có trò gì nhỉ, hình như lớp mình rất “đa nhân cách” vẫn là một lớp gương mẫu mà vẫn có những trò bất hủ làm tan nát trái tim cô giáo chủ nhiệm phải không nhỉ? Lớp 7 tớ còn gặp vài phốt nghịch dại của các bạn nam nữa, sợ nhất trò các bạn ấy hay giấu cặp, ném thạch sùng và những con vật ghê rợn khác trong lớp, giật tóc, ôi cả trò thi hét nữa chứ! Giờ mà nhớ ra ai khởi xướng trò thi hét thì chit liền. Tớ chẳng thể quên cái hành lang lớp 7A cứ mỗi giờ ra chơi lại sầm sập tưởng động đất vì trò đánh hôi của các bạn nam. Ah, các ấy còn nhớ những ngày đông lớp mình hay tập hợp thành từng tốp nhỏ đi bộ ra Bách Thảo, vào làng Đại Yên, rồi vòng vèo lên cả Thủ Lệ để sư tập lá cây cho bộ sưu tập thực vật của mình không? Còn cả ngày cầm lọ nhựa đi tìm “thủy tức” nữa, mà thề là đến giờ tớ vẫn không biết mặt mũi con thủy tức ra làm sao mà hồi ấy lớp mình kéo nhau lên tận chân cầu Thủ Lệ để thi nhau vớt rong tìm thủy tức nhỉ? Hihi

Ukie lên lớp 8 nhé! Lớp 8 là một năm học đỉnh điểm của nhiều sự kiện, yêu thương giận hờn bởi vì tất cả chúng ta đều lớn rồi và vì chúng ta đang bước vào tuổi “ẩm ương” muốn khẳng định mình đây mà. Ngoại hình và tính cách gần như đã định hình, những sở thích cũng thay đổi theo, con gái thích xem phim, bàn luận về những bộ truyện mình đọc, biết ngắm vuốt và làm duyên. Con trai “nhỉnh” hơn một chút, các ấy vẫn còn vô tư chit đi được và chỉ suốt ngày mê điện tử, đá bóng thôi! Nhớ lắm những chiều đi học về nghỉ trưa được một tị là cả lớp ý ới đạp xe rủ nhau theo kiểu một dây từ nhà những đứa gần trường trải lên đầu phố rồi cùng nhau đạp xe đi học tiếng Anh ở nhà cô. Hồi ấy con đường đi học thêm chỉ toàn nghe những âm thanh chói tai vì cười đùa, hò hét và trêu đùa nhau, nhớ lại tớ vẫn cảm nhận được cảm giác thênh thang, lộng gió và vô ưu vô tư của chúng mình! Những ngày mùa đông thì tớ nhớ hai buổi chiều đi học thêm văn ở ngõ nhỏ sau trường. Giờ học văn của cô không căng thẳng mà không kém phần thú vị, cứ sau những buổi học thêm ấy về là bọn con gái chúng tớ lại xà vào hàng bánh rán mặn ở cổng trường. Hix bây giờ thi thoảng thèm cảm giác và hương vị ấy thế mà biết kiếm đâu ra nhỉ?

Wow, đã lên lớp 9 rồi à! Chúng ta trở thành anh chị cả trong trường rồi đấy, năm lớp 9 hình như lớp mình gặt hái được rất rất nhiều thành tích về hoạt động Đoàn Đội, về những tiết học mẫu trong trường, rồi cả các hoạt động ngoại khóa tham gia văn nghệ quận phải không? Thực sự ngoài những ngày học căng thẳng và phấn đầu không ngừng nghỉ, lớp mình vẫn gây ra những trò nhất quỷ nhì ma làm đau đầu cô chủ nhiệm. Điều ấn tượng đặc biệt của năm lớp 9 với tớ là những ngày chúng ta cùng nhau chơi đùa, tập văn nghệ, đi dã ngoại, và chắc chắn là những ngày chúng mình trao nhau những trang lưu bút cuối cấp. Những tình cảm, những điều chưa nói vẫn còn rụt rè quá!

Thời gian của năm lớp 9 chấp chới trôi ngược lại những ngày lớp 6 rụt rè, những năm lớp 7 sắp lớn, những năm lớp 8 vui nổ trời, rồi lớp 9 với những mái đầu đã bắt đầu biết nhớ nhung! Những cánh én tuổi thơ bay vụt đi bỏ lại những kỷ niệm nhất quỷ nhì ma, bỏ lại ánh mắt đau đáu nhiều nỗi niềm của cô giáo chủ nhiệm mà thời đó chúng mình nào đã hiểu hết?

Thế là lại một mùa khai giảng tràn về các ấy ạ, trong số chúng mình có ai nhớ cảm giác háo hức xếp hàng thẳng tắp ngoài cổng trường rồi rộn ràng diễu hành theo nhịp trống Đội vào trường, nhớ những ánh mắt hân hoan, nhớ những giờ tự quản và những khoảnh khắc lớp mình bên nhau, nhớ bàn tay cô giáo bỗng nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của mình và ánh mắt động viên cô học trò nhỏ hãy vững lòng lên trước những thử thách mới.

Năm nay vừa tròn 10 năm chúng mình ra trường, chúng mình còn nợ cô giáo chủ nhiệm một buổi họp lớp thật đông đủ cả lớp với dâu rể và những em bé thật đáng yêu! Tớ cũng mới được biết lớp mình mới có thêm nhiều thành viên bé xíu và những thành viên bé xíu nữa sắp đồng loạt chào đời, những cặp đôi nữa đang chuẩn bị xây dựng tổ ấm, và cả những thành viên của lớp mình vẫn đang khẳng định mình ở những chân trời khác nhau! Hẹn các ấy một ngày thật gần và đông đủ nhé, ít nhất là hôm nay, ở FaceBook chúng mình đã gặp nhau rồi phải không!

Gửi từ FaceBook KimKim

Một thời để nhớ 

Tôi trở lại trường vào những ngày cuối tháng 8 trời nắng oi ả. Vẫn dòng chữ “Trường phổ thông trung học cấp 3 Kon Tum” đập vào mắt tôi khi vừa bước tới cổng trường. Vẫn những cây phượng vĩ đứng trơ trọi giữa bao sóng gió của thời gian đã gợi lại cho tôi nhiều kỉ niệm khó quên.

…Qua bao thời gian nhưng trường vẫn thế, thân thuộc đến lạ lùng. Kia là một khoảng sân rộng sáng thứ 2 nào chúng tôi cũng chào cờ ở đó. Và kia nữa, có một anh chàng hình như là lớp phó lao động thì phải, đang chỉ đạo mọi người quét dọn sân trường – anh chàng đó là tôi. Còn đây nữa, đây có phải là hội trường tôi từng diễn văn nghệ không nhỉ, hội trường này đã được tu sửa nên trông khang trang hơn, rộng rãi hơn. 

Hướng tầm nhìn về xa hơn, phía sau những hàng cây rợp bóng mát là nơi gắn bó với tôi suốt 3 năm học phổ thông. Phòng học vẫn không có gì thay đổi, những chiếc bàn, chiếc ghế gắn liền với bao thế hệ học trò. Chỗ ngồi hồi xưa của tôi đây rồi, hình ảnh một anh chàng ngượng đỏ mặt khi bị mọi người bắt hát cho cả lớp nghe; rồi anh chàng kia nữa, đang cắm cúi đọc thư trong tờ giấy nhỏ xíu thì bị thầy giáo phát hiện và gọi lên bảng trả bài, với một ánh mắt ngơ ngác… 

– An! Em đi đâu thế? Giờ em đang làm gì? Một câu hỏi của ai đó làm tôi giật mình trở về với thực tại. Tôi quay qua nhìn, thì ra đó là cô dạy môn Hóa học của lớp tôi. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, qua ngần ấy thời gian mà cô vẫn nhớ tôi, nhớ cả tên nữa chứ, thật là không có niềm vui nào bằng. 

– Dạ! Hôm nay em đi coi thi tuyển giáo viên cô ạ! Tôi trả lời cô. 

Cô vừa cười vừa nói: 

– Chà! Một anh chàng nhút nhát năm nào, giờ đây trông thật đứng đắn với bộ quân phục Công an rồi đấy!… 

Hai cô trò đứng nói chuyện một hồi, cô hỏi han về nghề nghiệp của tôi và những người bạn cùng lớp. Thế hệ như tôi giờ đã trưởng thành cả, có người đã có việc làm ổn định, có người vẫn còn đi học. Và thế hệ các thầy giáo, cô giáo đã từng dạy chúng tôi đều có một vị trí nhất định trong ngành giáo dục, có người thì làm hiệu trưởng, hiệu phó, có người thì làm trưởng phòng. Đó quả thật là niềm vui đối với chúng tôi. Và niềm vui nhân lên gấp bội khi tôi biết rằng trường đã được công nhận chuẩn Quốc gia! 

Đã đến giờ tôi phải vào hội trường để làm lễ cho đợt thi tuyển giáo viên. Lần này tôi được ngồi trên hàng ghế đầu dành cho đại biểu. Một cảm giác chợt vụt qua, mới ngày nào đây tôi còn trong lớp học kia, cặm cụi chép bài, lo lắng cho những kì thi, giờ đây tôi đã được ngồi ở đây. Nhanh thật! 

Ngày đó tôi được vào lớp chọn của trường để học, lớp này được xem là học giỏi nhất trường. Cũng chính vì thế mà năm lớp 10 tôi phải rất cố gắng để “đuổi” kịp lũ bạn trong lớp, nhưng cuối cùng tôi nhận được một câu nói của chính cô giáo dạy Hóa học: 

-“Em mà học như thế nữa, không chịu cố gắng cho bằng bạn bè trong lớp là cô đề nghị chuyển sang các lớp thương học đấy”. 

Và nhờ vào câu nói ấy, một phần vừa sợ bị chuyển lớp, một phần là xấu hổ với bạn bè, cho nên tôi đã cố gắng, đã quyết tâm học vượt lên. Kết quả là tôi lọt vào trong danh sách những bạn học khá nhất trong lớp vào năm lớp 11 và 12. Cuối cùng tôi đã thi đậu vào trường Đại học An ninh nhân dân. Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng tôi vẫn không quên câu nói của Cô, để tôi mới có được như ngày hôm nay. 

Nhắc đến tuổi học trò, chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng từng trải qua những mối tình học trò. Tôi cũng vậy, cũng đã có một, hai mối tình vắt vai. Tình yêu lúc đó thật con nít, mỗi khi đi học lại viết thư vào mảnh giấy nhỏ nhét vào hộc bàn để đối phương lấy đọc. Đến một ngày, thấy cô bé kia dễ thương hơn lại quay qua chọc ghẹo cô bé ấy và quên béng đi cô bé kia, khiến cô bé đó phải khóc sướt mướt… 

“…Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại, cho bao khát vọng đam mê cháy bỏng, sẽ còn mãi trong tim mỗi người, để tình yêu, ước mơ mãi không phai…”. Lời bài hát “Mong ước kỉ niệm xưa” bỗng dưng văng vẳng đâu đây. Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại, để ta được thả mình trong những cái vô tư của tuổi học trò, để được cùng nhau đạp xe đi chơi, để tìm về với những cảm giác lo âu mỗi khi bị kiểm tra bài cũ, để tìm về hình bóng của bạn bè, của thầy cô, của trường lớp. Và để tìm về một thời để nhớ! 

Vào thờ đó, điện thoại di động rất hiếm, máy chụp ảnh ít phổ biến nên lớp tôi không có được một tấm ảnh nào để làm kỉ niệm cả. Mặc dù như vậy, nhưng mỗi chúng tôi ai ai cũng đã chụp được và lưu giữ những hình ảnh đó trong tim của mỗi người. Những hình ảnh đó chắc chắn sẽ không phai nhòa theo thời gian. Bởi vì đó là kỷ niệm về tuổi học trò! 

Gửi từ Blogger Lã Chí An: “You give your hands, we are friends” 

Blog Radio thực hiện theo bài viết gửi từ FaceBook KimKim và Blogger Lã Chí An

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn