Blog Radio 62: Đời phiếm!

Đời phiếm

Đời phiếm

Blog Radio – Giữa không khí rộn ràng đón Tết chốn phố phường đô hội, ở một góc nào đó có hai mái đầu một già một trẻ chụm lại bên chén trà đón xuân, những câu chuyện triết lý sống giản dị, đáng quý. Mời các bạn cùng cảm nhận và chia sẻ bài viết Đời phiếm gửi từ email tieumuoitocnhan@yahoo.com 

Here is the Music Player. You need to installl flash player to show this cool thing!

Blog Radio – Rầm! Chiếc xe máy ngã sóng xoài giữa sân, hắn loạng quạng đứng dậy, dường như có gì đó vướng vào người hắn. “Chết tiệt”. Hắn lẩm bẩm rủa mình, rủa chiếc xe máy, rủa cái ngõ lòng vòng vào phòng trọ của hắn, hắn rủa đời.Hắn lại say. Những cuộc say trường kỳ, bí tỉ. Lần này thì chẳng ai trong xóm trọ này thèm đỡ hắn dậy. Những cái đầu lóc ngóc ló ra từ cửa phòng trông hắn diễn kịch, vở độc diễn mà họ vẫn thường được xem, nó được lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi ai cũng chán ngán. Ban đầu người ta còn bàn tán, tìm hiểu nguyên nhân về những lần say xỉn của hắn. Hỏi hắn hắn chỉ cười, không giải thích. Con người hắn vốn thế, ít nói, hay cười, bình thường chẳng mất lòng ai. Nói chung là khi tỉnh táo, hắn là mẫu người mà khối đứa con gái trong xóm trọ này tìm kiếm. Nhưng như thế thì không còn là đời – theo giải thích của hắn, thượng đế sinh ra người đàn ông thiếu đi một cái xương sườn, để biểu thị rằng không có thằng đàn ông nào hoàn hảo tồn tại trên đời. Theo triết lí của hắn, con người không được giả tạo, phải sống thật. Anh ghiền thuốc lá ư? Anh ghiền rượu ư? Hãy cứ hút, cứ uống đàng hoàng. Hắn thà để người ta chấp nhận con người xấu xa nhất của hắn, chứ không chấp nhận cái vỏ hào nhoáng của mấy thằng bạn mà hắn đã cho ra rìa. Uống rượu với bọn nó, bao giờ hắn cũng là đứa say đầu tiên. Chúng uống rượu nửa vời, uống như để chuốc cho mình hắn say, còn chúng nó thì tỉnh rụi. Mà bao giờ cũng thế, say rồi hắn là người rút lui đầu tiên, hắn không đủ sức để tham gia vào “tăng hai”- thuật ngữ của mấy thằng háu gái.Thực ra, hắn là một người có tài nhưng quá ngang tàng. Tốt bụng đến khờ khạo, nên đã năm năm trong cái công ty đồ sộ này mà hắn vẫn mãi là một anh kỹ sư quèn, bị đẩy dạt từ công trình này đến công trình khác. Bao nhiêu ý tưởng táo bạo nhưng thực tế của hắn trên bàn nhậu đã được đẽo gọt để trở thành chiếc “cần phao” của người khác, sau những lần đó, hắn chua chát, ngao ngán về những bộ óc rỗng tếch, tay lúc nào cũng xách những chiếc Lap đời mới, hưởng những mức lương khủng.

Anh em công nhân ai cũng tiếc cho hắn, có người khuyên, có người còn chửi thẳng vào mặt hắn, hắn chỉ cười trừ. Không hiểu mục đích cuối cùng của hắn là gì, mà có khi hắn không có mục đích cũng nên.

Hắn có bồ, không ai trong xóm trọ chúng tôi hay biết, người ta chỉ vỡ lẽ khi cô đến phòng hắn, khóc lóc đòi chia tay

. Đó là cô gái khá xinh, nhẹ nhàng, không, phải nói là quá nhẹ nhàng. Đến lời trách móc cô cũng sợ làm hắn đau. Giọng nói của cô cho biết cô người Huế. Lần đó, cô gái tìm đến phòng hắn với cặp mắt sưng vù, nhẹ nhàng đến, nhẹ nhàng nói, và nhẹ nhàng ra đi. Hắn im như thóc, không giải thích, không níu kéo. Cô gái dắt xe ra khỏi sân, hắn vẫn ngồi lì trong phòng, còn gắng đốt điếu thuốc. Thế là từ đó không còn thấy bóng dáng người con gái nào tìm đến phòng hăn nữa.

Ngày 26 tháng chạp âm. Cả xóm trọ vắng hoe, những người cuối cùng trong xóm trọ này đã về quê từ tối hôm qua. Hắn ôm một đống đồ về phòng, mì tôm, trứng gà, rượu, bia, thuốc lá. Hắn không về quê. Mà cũng không hiểu hắn còn có quê để về nữa hay không. Những người trong xóm trọ này bao giờ cũng thấy hắn ở lại sau cùng và khi họ vào thì đã thấy hắn lù lù một đống trong phòng. Lủi thủi như một bóng ma. Ngày tết mọi người đều về quê. Công ty hắn cũng thế. Những người ở gần nhất cũng đã về sáng nay. Hắn xung phong ở lại trực công trình, năm nào cũng thế. Bác bảo vệ già là một người từng trải, cương trực, nhà ở trong thành phố, có hắn bác cũng đỡ đôi phần, mấy ngày tết đến công ty còn có người nói chuyện. Hắn thích uống rượu nói chuyện với bác. Uống sòng phẳng, nói chuyện sòng phẳng. Có lẽ đó là người duy nhất còn sót lại trên đời để hắn tâm sự.

Ngày mồng một tết, cái ngày mọi người đổ xô đi chúc tết, uống rượu, kể chuyện vui, hắn và bác bảo vệ già cũng ngồi uống. Lần đó hắn nói thật nhiều. Hắn nói về con người hắn, hắn nói về cái gia đình năm mạng người, mỗi người phân tán một nơi. Hắn kể về những ngày kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ nghề đi lấy nước mạ thuê đến quản lí một nhà hàng sang trọng. Những ngày sẽ theo hắn tận khi xuống mồ. Hắn kể về nỗi đau như xát muối khi bạn gái bỏ hắn, về những trò bịp bợm trong cái công ty này. Hắn kể về những người đã “đá đít, xỏ mũi” hắn. Đó là lần duy nhất hắn uống rượu thất ngọt, càng uống càng tỉnh. Bác bảo vệ già cùng uống với hắn. Hắn phát hiện nơi bác có một sự kiềm chế đến khắc khổ. Kiềm chế để uống không say, kiềm chế để rót rượu không đổ ra ngoài. Mọi cử chỉ chính xác đến kinh hãi. Bác nghe hắn nói chuyện, mắt lim dim, đầu gật gật, thỉnh thoảng vỗ đùi đánh bốp vì một vài câu nói của hắn trúng ý bác. Hai con người hiếm hoi còn sót lại trong công ty trống hoắc, ngồi uống từ sáng đến sẩm tối. Nói qua bao nhiêu chuyện, đi hết bao nhiêu chai mà vẫn tỉnh rụi. Bác bảo: “Uống rượu mà tinh thần thoải mái thì rất ít khi say. Cuộc đời cũng thế, tinh thần không tĩnh thì rất dễ ngã gục, đừng để ngã gục vì những lí do lãng xẹt. Con người sống nếu không có định hướng rõ ràng thì sẽ đi vào ngõ cụt, mà đó sẽ là ngõ cụt không lối ra. Cháu tốt, nhưng như thế chưa đủ, phải sống để không hổ thẹn với đời, với những người yêu và tin cháu”. Bác không bảo hắn phải làm lại, không bảo hắn phải chỉnh sửa, bác để hắn tự vỡ lẽ ra chân lí. Mà đó không phải là những chân lí quá cao xa, mà ngay trong con người của hắn.

Ngày mồng hai, vẫn là hai mái đầu, một bạc một xanh. Hai con người ấy sáng ra gặp nhau, không rượu. Hắn đưa tới công ty gói trà, thứ trà Bắc thơm, đặc quánh mà có người đã tặng hắn cách đây mấy tháng. Hai người ngồi uống trà, chốc chốc lại phá lên cười. Hắn thấy cuộc sống đáng yêu làm sao. Ngoài đường tấp nập người đi lại chúc tết .

Blog Radio thực hiện theo email tieumuoitocnhan- tieumuoitocnhan @ yahoo.com

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn